Liên quan đến câu chuyện xâm phạm bản quyền nghệ thuật Trúc Chỉ – vụ việc một sinh viên mỹ thuật sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày na ná đã làm xôn xao cộng đồng nghệ thuật và khiến tác giả gốc buộc phải lên tiếng.

Nghệ thuật Trúc Chỉ và tác giả Phan Hải Bằng

Trúc Chỉ

Mấy năm trở lại đây, sự xuất hiện của nghệ thuật Trúc Chỉ như một làn gió mới nổi lên trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Hình thức nghệ thuật này được biết là do họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự của ông dụng công nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo. Ý tưởng nghệ thuật được thể hiện bằng bột giấy tự tạo khá hấp dẫn và đang dần lan tỏa trong cộng đồng gắn với cái tên Trúc Chỉ.

Giấy trong nghệ thuật của Phan Hải Bằng được khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ… Xuất phát từ ý niệm làm cho Giấy có thêm khả năng “thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm độc lập”, cái tên Trúc Chỉ ra đời. Với cái tên này, nhà văn, Dich giả Bửu Ý muốn sử dụng hình ảnh cây tre như một biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt. Theo đó, Trúc Chỉ dùng để chỉ một loại nghệ thuật giấy của người Việt, chứ không chỉ là “giấy tre” thông thường. Giờ đây, giấy không chỉ đơn thuần là cái “nền” để viết, vẽ hay in ấn mà đã được nâng tầm để trở thành tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập, tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo, đóng vai trò như một thành tố chính cấu thành tác phẩm.

Đồ họa Trúc Chỉ

Bằng cách kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa, đồ họa Trúc Chỉ “trucchigraphy” đã ra đời và được sử dụng chính cho nghệ thuật Trúc Chỉ.

Thuật ngữ kỹ thuật “đồ họa Trúc chỉ” (trucchigraphy) được hình thành từ sự vận dụng các yếu tố: quy trình chế tác giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo áp lực nước và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa được họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự nghiên cứu, tiếp biến và sáng tạo trong quá trình làm việc, nghiên cứu, thể nghiệm… Đây chính là điều làm nên sự khác biệt, đặc trưng của Trúc Chỉ, tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ, sắc nhị tinh tế cho tác phẩm đồ-họa-giấy mà trước nay chỉ mới có được ở Trúc Chỉ.

Vụ “ồn ào” bản quyền nghệ thuật Trúc Chỉ và bài học về quản lý bản quyền

Tư liệu về Hành trình trúc chỉ – quá trình hình thành và nuôi dưỡng ý tưởng, được họa sĩ Phan Hải Bằng công bố trên trang facebook cá nhân từ ngày 2 tháng 8, và nhận được rất đông sự ủng hộ từ cộng đồng. Tuy nhiên, mới đây đã có một cuộc triển lãm tranh Trúc Chỉ diễn ra tại Hà Nội, nhưng không phải do tác giả tổ chức. Từ đó, dấy lên nghi vấn về câu chuyện xâm phạm bản quyền.

Anh Bằng cho biết lâu nay vẫn có nhiều vụ việc xâm phạm Trúc Chỉ diễn ra với nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, vụ việc lần này có phần nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp, cũng như tính học thuật nghiêm túc nên anh buộc phải lên tiếng. Việc xuất hiện cái gọi là Trúc Chỉ ở Hà Nội sử dụng luôn tên gọi này, trong khi đã được đăng ký bảo hộ là Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam để kinh doanh, sản xuất gây hiểu nhầm nghiêm trọng.

Giữa cuộc tranh cãi về bản quyền nghệ thuật Trúc Chỉ, giám tuyển Ace Lê (Singapore) lên tiếng nhận xét về vụ việc một sinh viên mỹ thuật sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày na ná của tác giả. Ông cho rằng đây là một trường hợp tương đối phức tạp trên phương diện pháp lý.

Trúc Chỉ Việt Nam không cần phải đăng ký nhãn hiệu “Trúc Chỉ” thì mới tố cáo được đơn vị khác xâm phạm bản quyền. Nhưng khi tố cáo, cần chứng minh mình là tác giả gốc của tên gọi “Trúc Chỉ” trong lĩnh vực hoạt động, và vi phạm của đối phương gây ra thiệt hại kinh tế từ nhầm lẫn đó. Điều này cũng sẽ gặp khó khăn bởi tác giả gốc là nghệ sỹ Phan Hải Bằng, trong khi Trúc Chỉ Việt Nam lại được đăng ký là công ty TNHH một thành viên dưới tên nghệ sỹ Ngô Đình Bảo Vi.

Và mặc dù logo trúc chỉ đã được đăng ký bản quyền, nhưng thay vì đăng ký dưới hạng mục nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, thì Trúc chỉ Việt Nam lại đăng ký nó dưới hạng mục quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả. Đó là điều đáng nói. Như vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào khác đều có thể sử dụng chữ “Trúc chỉ” này nhưng kết hợp với logo khác thì không bị coi là vi phạm, ông Ace Lee viết.

Điểm thứ hai giám tuyển Ace Lê đề cập đến là kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ (trucchigraphy) của tác giả gốc Phan Hải Bằng. Ở đây chỉ có hai hạng mục liên quan, là sáng chế và bí mật doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể loại bỏ bí mật doanh nghiệp vì hoạ sĩ Phan Hải Bằng đã tổ chức nhiều workshop dạy kỹ thuật trucchigraphy công khai. Ông Ace Lee cho rằng ông Hải Bằng có thể đăng ký sáng chế cho kỹ thuật trucchigraphy. Tuy nhiên, sáng chế cần thêm một yêu cầu nữa, đó là tính sáng tạo cao, nên quy trình duyệt cũng khó và lâu hơn.

Sự thật là họa sĩ Phan Hải Bằng đã từng nộp đăng ký sáng chế cho kỹ thuật trucchigraphy nhưng chưa theo được đến cùng do sự phức tạp của quy trình. Ông cho đây là một điều đáng tiếc, và khuyên đội ngũ vẫn nên cứ đi tiếp con đường của mình và đầu tư vào các hoạt động truyền thông để công chúng biết rõ sự khác biệt của chất lượng sáng tạo nghiêm túc. Đồng thời, để thuận lợi về hoạt động tổ chức, Chủ sở hữu ở đây có thể là anh Bằng (vì bằng chứng phát minh đều dưới tên cá nhân anh), sau đó nhượng quyền cho Trúc chỉ Việt Nam.

Như vậy, vụ việc về bản quyền này là bài học đắt giá cho tất cả các tác giả, công ty khi đăng ký sáng chế, nhãn hiệu. Đối với tác phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ hay sản phẩm mỹ nghệ Trúc Chỉ, tác giả hoặc công ty chủ quản cần có những biện pháp phù hợp để bảo vệ thành quả lao động của mình.