Có hai phương thức thường được đề cập đến trong việc kiếm tiền từ V.League cũng như các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, đấy là quảng bá thương hiệu hình ảnh và bán bản quyền truyền hình. Trong đó, VPF và các CLB đều bày tỏ quan điểm nghiêm túc, đánh giá bản quyền truyền hình là nguồn thu quan trọng trong tương lai gần.

Tại hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 có một chủ đề bản quyền truyền hình  được VPF và các CLB chuyên nghiệp quan tâm. Ông Vũ Tiến Thành – Giám đốc điều hành CLB Phố Hiến – cho rằng bản quyền truyền hình là một góc độ quan trọng trong tài chính nếu đội bóng thật sự muốn tự chủ trong duy trì hoạt động dài hạn. Ông cũng đưa ra những đóng góp về vấn đề này nhằm phát triển thêm nguồn thu xoay quanh câu chuyện bản quyền hình ảnh, phát triển thương hiệu trên mạng xã hội cho các đội bóng nói riêng và giải bóng đá chuyên nghiệp nói chung. 

Ông Trương Mạnh Linh – Tổng giám đốc của SLNA cũng bày tỏ hy vọng rằng đội bóng xứ Nghệ có thể thêm doanh thu từ bản quyền truyền hình, đồng thời đề xuất VFF và VPF có ý kiến với các nhà đài nhằm tăng giá trị của bản quyền truyền hình V.League, qua đó tăng thêm động lực phát triển cho đội bóng ở những mùa giải tới đây.  

Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT VPF thẳng thắn trao đổi về câu chuyện bản quyền truyền hình ở thời điểm hiện tại và định hướng trong giai đoạn tới. Theo ông Trần Anh Tú, hợp đồng bản quyền truyền hình đã được VPF và đối tác ký kết từ năm 2017 và kéo dài đến hết mùa 2022. Ông Tú cho biết, những điều khoản hợp đồng ký kết năm 2017 là hợp lý trong thời điểm đó. Theo thời gian, lúc này hợp đồng có thể chưa có những điểm phù hợp với nguyện vọng của VPF và các CLB, hợp đồng mới sẽ có những thay đổi nhằm đảm bảo quyền lợi nhiều hơn cho giải đấu nói chung và các CLB nói riêng. 

Bản quyền truyền hình V.League: Khi VPF cùng các CLB chung chí hướng (Ảnh: bongda24h)

Nâng cao chất lượng giải đấu nhằm nâng cao giá trị bản quyền

Theo ông Trần Anh Tú, việc chia quyền lợi cho các CLB còn khiêm tốn vì hợp đồng bản quyền truyền hình hiện tại có giá trị tương ứng với mười mấy tỷ đồng nhưng giá trị đó lại ít quy đổi ra tiền mặt. Ông cho rằng ở giai đoạn hiện tại, VPF cũng luôn suy nghĩ, đánh giá để làm sao có thể thu được lợi nhuận không chỉ ở khía cạnh bản quyền truyền hình mà còn là trên nền tảng Internet, mạng xã hội. Giải đấu càng chuyên nghiệp, chất lượng các giải đấu càng được nâng cao, thương hiệu cầu thủ càng lớn thì V.League càng có giá trị trong mắt các đối tác. Như thế, VPF không phải rơi vào thế mặc cả và sẽ thu hút được quan tâm của nhiều đối tác hơn, với những giá trị tương xứng hơn với V.League. Phải đảm bảo được hình ảnh giải đấu (bao gồm lối chơi của cầu thủ trên sân, cơ sở vật chấp đáp ứng tiêu chí AFC, hành xử của các HLV, CLB, Ban điều hành giải đấu…) có giá trị cao trong mắt nhà tài trợ để có thể đạt được giá trị bản quyền truyền hình nói chung như kỳ vọng của VPF và các CLB thì V.League.

Để nghiêm túc rút kinh nghiệm nhằm hướng đến V.League 2022 chủ động hơn, chất lượng hơn và nâng cao được tính cạnh tranh hơn, các CLB và VPF đã thẳng thắn nhìn vào những điểm được và chưa được trong Hội nghị tổng kết năm 2021. Nhiều đội bóng cũng khẳng định tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp với các góc độ tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh, qua đó nâng tầm chất lượng V.League ngay từ mùa giải tới.