Những thay đổi quan trọng với Hệ thống Madrid sẽ mang đến những nghĩa vụ mới đối với cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia. Những thay đổi này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2023 và 1 tháng 11 năm 2024 với mục đích tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình bảo vệ nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế, cũng như cung cấp khung thời gian rõ ràng hơn trong quá trình bảo vệ nhãn hiệu.

Hệ Thống Madrid

Hiệp ước Madrid và Nghị định thư Madrid là các hiệp ước bảo vệ nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế. Hai hiệp ước này tạo nên Hệ thống Madrid về Đăng ký nhãn hiệu Quốc tế do Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) quản lý. Hệ thống Madrid hoạt động như một hệ thống đăng ký giúp tiết kiệm chi phí cho các cá nhân và doanh nghiệp muốn bảo vệ nhãn hiệu của họ tại 130 quốc gia. Hiệp ước và Nghị định thư Madrid hoạt động song song và độc lập, với nhiều khác biệt về yêu cầu, khung thời gian và chi phí. Hiệp ước Madrid được xây dựng gần một thế kỷ trước Nghị định thư Madrid, và ban đầu được dự kiến sẽ là cơ sở của phương pháp tập trung để bảo vệ nhãn hiệu quốc tế, giúp loại bỏ nhu cầu nộp đơn riêng lẻ tại các quốc gia khác nhau. Ngược lại, Nghị định thư Madrid sau đó cũng đã xuất hiện để cải thiện tính linh hoạt của Hệ thống Madrid, giúp cho Hệ thống Madrid phù hợp hơn với pháp luật của các quốc gia và mở rộng sự tiếp cận đến các tổ chức liên chính phủ.

Thay Đổi Có Hiệu Lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2023

Các cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia phải chỉ định thời điểm bắt đầu và kết thúc của thời hạn trả lời từ chối tạm thời.

Khi có quyết định từ chối tạm thời, các cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia sẽ phải xác định rõ thời điểm bắt đầu và hạn cuối của thời hạn trả lời.

Yêu cầu này là bắt buộc đối với các cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia trừ khi thời hạn trên bắt đầu vào ngày WIPO chuyển quyết định từ chối tạm thời cho đơn đăng ký quốc tế, hoặc khi thời hạn đó bắt đầu vào ngày người đăng ký nhận được quyết định từ chối. Trong những trường hợp như vậy, WIPO sẽ đưa ra thời điểm bắt đầu và hạn cuối để trả lời quyết định từ chối tạm thời với thông báo. Đây có thể được coi là một bước tiến quan trọng để tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro lỡ các thời hạn và đơn giản hóa hoạt động giao tiếp trong quá trình bảo vệ nhãn hiệu quốc tế cho tất cả các bên.

Thay Đổi Có Hiệu Lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2024

Cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia có thể yêu cầu WIPO gửi thông báo đến chủ sở hữu đăng ký quốc tế. Các cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia có thể yêu cầu WIPO gửi đến chủ sở hữu đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế bất kỳ thông báo nào không được bao gồm trong quy định của hệ thống Madrid. Ví dụ, các cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia có thể yêu cầu WIPO gửi thông tin cho chủ sở hữu nhãn hiệu về các hành động có thể thực hiện, hay gửi lời nhắc để chủ sở hữu nhãn hiệu đáp ứng các yêu cầu cụ thể, hoặc bất kỳ thông tin nào khác có ý nghĩa đặc biệt đối với chủ sở hữu nhãn hiệu. Sửa đổi này sẽ cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu liên tục được thông báo về các tình trạng quan trọng và hành động phù hợp khi cần thiết.

Những sửa đổi trên là những phát triển tích cực, giúp người đăng ký nhãn hiệu quốc tế có thể phản ứng kịp trước quyết định từ chối tạm thời. Từ đó đảm bảo quá trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế được diễn ra một cách cách công bằng và rõ ràng.

Từ ngày 1 tháng 2 năm 2025, các cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia phải cho chủ sở hữu đơn đăng ký quốc tế ít nhất hai tháng để trả lời quyết định chối tạm thời

Chủ sở hữu đơn đăng ký quốc tế sẽ có ít nhất hai tháng để trả lời thông báo trước khi đơn đăng ký bị từ chối. Điều này có thể giảm áp lực cho chủ sở hữu nhãn hiệu khi chuẩn bị trả lời thông báo từ chối. Nhưng quy tắc này sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 1 tháng 2 năm 2025 để các quốc gia thành viên có thêm thời gian sửa đổi các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan đăng ký nhãn hiệu quốc gia bắt buộc phải thông báo cho WIPO về các thời hạn và cách thức tính toán các thời hạn đó. Các thông báo về thời hạn và cách tính toán sẽ được WIPO công bố trên Bản Tin Quốc tế WIPO về Nhãn hiệu.

Cuối cùng, các yêu cầu từ chối tạm thời dựa trên các nhãn hiệu có trước phải chỉ định tên, địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu có trước và tên đại diện của họ. Tuy nhiên, các cơ quan đăng ký nhãn hiệu có thể được miễn yêu cầu cung cấp địa chỉ, nếu việc cung cấp địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu có trước hoặc hoặc của đại diện của họ là không khả thi.