(Tiếp theo) Dưới đây là 4 sáng chế có ảnh hưởng lớn đến đời sống hiện đại.

Năng lượng hạt nhân

Năng lượng hạt nhân được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1930 bởi nhà vật lý người Ý Enrico Fermi. Ông đã phát hiện ra rằng việc bắn phá các nguyên tử bằng neutron sẽ phân tách các nguyên tử đó và tạo ra nguồn lượng năng lượng khổng lồ. Sau đó, ông tiếp tục phát triển phản ứng dây chuyền hạt nhân đầu tiên tại Đại học Chicago. Thí nghiệm thành công này đã dẫn đến sự phát triển của một số nhà máy hạt nhân vào những năm 1950. Theo đó, nhà máy điện Obninsk tại Liên Xô cũ đã trở thành nhà máy điện hạt nhân nối lưới điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1954, và nhà máy điện hạt nhân Shippingport tại Pennsylvania đã trở thành nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 1957.

Năng lượng hạt nhân hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, và đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng trên toàn cầu.

Bên cạnh những lợi ích to lớn, việc sản xuất năng lượng hạt nhân vẫn gây ra một số vấn đề như việc các nhà máy điện hạt nhân sử dụng phản ứng phân hạch để phân tách các nguyên tử sẽ tạo ra nhiều chất phóng xạ cần một khoảng thời gian dài để phân hủy. Hơn nữa, hoạt động sản xuất năng lượng hạt nhân cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến thảm họa hạt nhân, chẳng hạn như thảm họa Chernobyl và thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi. Vì vậy, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứ để tạo ra các lò phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể sử dụng được, về mặt lý thuyết có thể tạo ra năng lượng sạch, vô hạn.

Vắc-xin

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng khoảng 2 triệu đến 3 triệu người được cứu sống hàng năm nhờ vào vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, uốn ván và sởi.

Từ thế kỷ thứ 10, người Trung Quốc được cho là đã thực hiện việc tiêm phòng với việc tiêm các vết xước nhỏ trên da với liều lượng nhỏ bệnh đậu mùa để chống lại căn bệnh này. Nhưng vào năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã phát hiện ra rằng những người vắt sữa hiếm khi mắc hoặc chết vì bệnh đậu mùa, vì trước đó họ đã bị nhiễm vi-rút bệnh đậu bò (Vaccinia). Vì vậy, ông đã sử dụng mẫu bệnh đậu bò để phát triển vắc-xin đậu mùa. Ông sau đó đã tiêm cho một cậu bé 8 tuổi bệnh đậu bò và sau đó là bệnh đậu mùa, và cậu bé không bao giờ mắc phải căn bệnh này. Thí nghiệm của Jenner đã đặt nên tảng cho việc tạo ra vắc-xin đậu mùa và công trình của ông được coi là bước khởi đầu trong công cuộc phát triển của ngành miễn dịch học. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục phát triển các loại vắc-xin mới — đáng chú ý nhất là vắc-xin coronavirus đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngăn chặn đại dịch.

Chụp X-Quang

Giống như nhiều phát minh vĩ đại khác, tia X được phát hiện theo một cách tình cờ. Năm 1895, kỹ sư và nhà vật lý người Đức Wilhelm Conrad Röntgen đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài hai tháng về tiềm năng của bức xạ. Trong một thí nghiệm với mục đích kiểm tra xem tia âm cực có thể xuyên qua thủy tinh hay không, ông nhận thấy rằng bức xạ có thể xuyên qua màn hình có độ dày đáng kể và để lại bóng của các vật thể rắn. Ông sớm phát hiện ra rằng tia X có thể xuyên qua các mô của con người để hiển thị hình ảnh rõ ràng về bộ xương và các cơ quan. Một năm sau, một nhóm bác sĩ đã bắt đầu chụp X-quang cho các bệnh nhân. Những phát hiện này đã dẫn đến sự phát triển của X quang như chúng ta biết ngày nay và đã hỗ trợ các chuyên gia y tế trong quá trình chẩn đoán gãy xương, khối u, suy nội tạng, v.v.