Chắc hẳn ít nhiều ai cũng đã nghe đến cụm từ nhãn hiệu nổi tiếng một vài lần, tuy nhiên, liệu có ai có thể thật sự hiểu được cụm từ này nghĩa là gì. Liệu có thể nào nó ám chỉ một nhãn hiệu rất ‘nổi tiếng’ như Apple, McDonald, Gucci,… hay bản thân cụm từ ‘nhãn hiệu nổi tiếng’ lại đi liền với nhau và ám chỉ một loại nhãn hiệu đặc thù nào đó?

Về cơ bản, nhãn hiệu chính là một dấu hiệu dùng để phân biệt một loại hàng hóa, dịch vụ của một bên đối với hàng hóa, dịch vụ của một bên khác.

Tuy nhiên, bản thân nhãn hiệu lại được chia ra làm nhiều loại, bao gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết,…

Coffee, Gourmet, Food, Restaurant, Beverage, Gucci
Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Trong các cách phân loại này, nhãn hiệu nổi tiếng lại khá đặc thù bởi lẽ chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không thể đăng ký nhãn hiệu đó làm nổi tiếng được.

Thay vào đó, nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được công nhận khi nó được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên một khu vực địa lí nhất định.

Có thể nói, một nhãn hiệu nổi tiếng hay không chính là thành quả, tổng hợp của bao công sức làm ăn kinh doanh của một doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam

Khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định:

“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Điều 75. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.”

Theo đó, một nhãn hiệu nổi tiếng ở lãnh thổ Việt Nam phải được người tiêu dùng trên khắp lãnh thổ Việt Nam biết đến ở một mức độ lớn, rộng rãi và bao quát.

Như vậy, nếu một nhãn hiệu nổi tiếng trên phạm vi toàn thế giới mà không được người tiêu dùng Việt Nam biết đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều này tuy khó có thể được áp dụng ở Việt Nam – một quốc gia hội nhập phát triển mạnh nhưng đối với các quốc gia phong tỏa và đối ngoại ít như Triều Tiên thì quy định này lại đặc biệt rõ ràng.

Không chỉ mức độ biết đến, các tiêu chí khác để đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng hay không có thể kể đến như:

  • Tiêu chí về số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  • Tiêu chí về thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu trên thị trường;
  • Tiêu chí về mức độ uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc công ty sở hữu nhãn hiệu.