Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – chia sẻ vào chiều ngày 5/5 rằng ông Hồ Quang Cua – cha đẻ gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 – muốn nhượng lại bản quyền giống lúa ST25 và Bộ sẽ tính nguồn tiền, xin phép Chính phủ mua lại.

Từ ngày 4/5, Việt Nam chỉ còn lại 30 ngày để có thể nộp đơn khiếu nại phản đối nhãn hiệu ST25 lên Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu (USPTO) sau khi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của công ty I&T Enterprise được cơ quan này chấp thuận.

Sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và gần đây là ở Úc, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua chia sẻ rằng ông đã có mong muốn chuyển nhượng lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước từ lâu.

Theo ông Cua, ông đưa ra quyết định này không phải là một xúc động nhất thời, mà đã trải qua suy tính cẩn thận trong một thời gian dài. Được biết, lý do ông muốn chuyển nhượng lại bản quyền gạo ST25 là vì vấn đề quản lý giống hiện nay rất phức tạp. Tình trạng gạo giả, gạo nhái vẫn còn tồn đọng nhiều trên thị trường.

Các vấn đề này tạo khó khăn không chỉ với doanh nghiệp mà còn gây phiền toái cho các nhà nghiên cứu khi họ buộc phải chia thời gian cho việc tập trung vào sản xuất, sáng chế phát minh ra các sản phẩm gạo mới và nghĩ cách bảo hộ bản quyền cho sản phẩm của mình. Chính vì vậy, nếu Nhà nước có thể thực hiện việc quản lý và bảo hộ bản quyền cho các loại giống được sản xuất ra thì mọi việc sẽ đơn giản, thuận lợi hơn.

Gạo ST25 dự kiến sẽ được chuyển giao bản quyền cho nhà nước

Ông Hồ Quang Cua chia sẻ: “Tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi.”

Chuyển nhượng bản quyền giống lúa như thế nào?

Về vấn đề nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho nhà nước, dưới góc độ pháp lý, quyền sử dụng giống cây trồng có thể được chuyển giao lại và quyền đối với giống cây trồng có thể được  chuyển nhượng lại.

Trong đó, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Về hình thức, việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng sẽ được thực hiện bằng việc ký hợp đồng hoặc bằng văn bản xác nhận. Còn việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.

Nhà Nước sẽ bắt đầu tiếp nhận bản quyền giống lúa ST25

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết rằng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cân đối nguồn tiền trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống trong giai đoạn cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ 2021-2030 để mua lại bản quyền giống lúa ST25.

Theo ông Tiến: “Chúng tôi sẽ xin phép Chính phủ thực hiện do đây là trường hợp chưa có tiền lệ.”

Sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

-Huntress-