Các nhà nghiên cứu Úc hy vọng phương pháp xét nghiệm nước bọt với chi phí thấp sẽ thay thế phương pháp xét nghiệm dùng kim chích đầu ngón tay để lấy máu như hiện nay đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học Úc cho biết họ đã phát triển phương pháp kiểm tra đường huyết không gây đau đớn cho bệnh nhân tiểu đường, một loại dải băng không xâm lấn giúp kiểm tra lượng glucose thông qua nước bọt.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, để kiểm tra lượng đường huyết, người bệnh phải dùng kim chích đầu ngón tay của họ nhiều lần trong ngày để lấy máu và sau đó nhỏ một giọt máu lên que thử. Có thể nói rằng, quá trình đau đớn này đã dẫn đến tâm lý tránh né việc xét nghiệm của các bệnh nhân và là lí do người bệnh muốn giảm thiểu tối đa các xét nghiệm của họ.
Tuy nhiên, theo Paul Dastoor – giáo sư vật lý tại Đại học Newcastle ở Úc, người dẫn đầu nhóm tạo ra phương pháp xét nghiệm mới này cho biết rằng thử nghiệm mới nhất này hoạt động bằng cách nhúng một loại enzyme sẽ phản ứng với glucose vào trong bóng bán dẫn để xác định nồng độ glucose.
Giáo sư Dastoor cho biết thêm, phương pháp xét nghiệm mới này tạo ra triển vọng về phương pháp kiểm tra đường huyết mới không đau, chi phí thấp và có thể mang lại cuộc sống dễ chịu hơn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Chia sẻ với Al Jazeera, giáo sư Dastoor nói: “Nước bọt của bạn có chứa glucose và nồng độ glucose đó sẽ tương ứng với chỉ số đường huyết của bạn. Nhưng nồng độ này thấp hơn khoảng 100 lần, có nghĩa là chúng tôi đã phát triển một loại xét nghiệm có chi phí thấp, dễ sản xuất, nhưng có độ nhạy cao hơn khoảng 100 lần so với xét nghiệm đường huyết tiêu chuẩn”. Vì vật liệu điện tử trong bóng bán dẫn là mực, nên việc kiểm tra có thể được thực hiện thông qua việc in ấn với chi phí thấp.
Giáo sư Dastoor cho biêt: “Các vật liệu mà chúng tôi đang sử dụng rất đặc biệt, chúng là mực điện tử có thể hoạt động như vật liệu điện tử, nhưng sự khác biệt là chúng tôi có thể in chúng ở quy mô lớn bằng cách sử dụng máy in cuộn, giống như cách bạn sử dụng để làm báo”. Dự án được chính phủ Úc tài trợ 6,3 triệu đô la Úc (4,7 triệu đô la) để thành lập cơ sở sản xuất các bộ dụng cụ thử nghiệm nếu các thử nghiệm lâm sàng được thông qua.
Dastoor cho biết công nghệ này cũng có thể được ứng dụng trong xét nghiệm COVID-19, xét nghiệm chất gây dị ứng, hormone và ung thư. Trường đại học Newcastle đã làm việc với Đại học Harvard để thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng công nghệ tương tự.