Vắc xin ngăn ngừa Covid-19 hiện đã có mặt ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nga. Theo ý kiến của nhiều người, các thùng vắc xin này là tượng trưng của “sự khởi đầu cho sự kết thúc” đối với một năm đầy biến động trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên các thùng vắc xin này không thật sự là khởi đầu cho bất kì điều gì. Nếu có, nó chỉ là sự khởi đầu cho một thời gian dài chờ đợi, mong ngóng các liều vắc xin được phát đến tay mình.
Thiếu thốn vắc xin Covid-19 trầm trọng
Hiện nay, các quốc gia có khả năng sản xuất vắc xin không sản xuất đủ vắc xin cho riêng bản thân họ, chứ chưa nói đến việc phân phối sản phẩm cho các quốc gia khác.
Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ, Anh và Liên minh Châu Âu, cùng với những quốc gia khác đang ngăn chặn một kiến nghị giúp gia tăng khả năng phân phối vắc xin nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Kiến nghị miễn nghĩa vụ thực thi quyền SHTT do tình hình đại dịch
Bản kiến nghị này do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra vào tháng 10 nhằm kêu gọi W.T.O. “miễn” cho các nước thành viên khỏi nghĩa vụ thực thi quyền đối với một số sáng chế đã đăng ký bản quyền, bí mật thương mại hoặc dược phẩm độc quyền theo thỏa thuận của tổ chức về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs).
Bản kiến nghị trích dẫn “các trường hợp ngoại lệ” do đại dịch gây ra và lập luận rằng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện hành đang “cản trở hoặc có khả năng cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế giá cả phải chăng”.

Trở ngại trên hành trình phân phối vắc xin Covid-19 toàn cầu
Ngay từ khi được nộp lên vào ngày 2/10/2020, bản kiến nghị đã ngay lập tức bị Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada, Australia và Brazil đồng loạt phản đối. Sau đó, bản kiến nghị lại bị bác bỏ một lần nữa tại một cuộc họp khác vào tháng 11 và một lần nữa vào đầu tháng 12. Tại sao các quốc gia “top đầu” lại đồng loạt phản đối kiến nghị này, mặc dù nó tốt cho toàn thể thế giới?
Đơn giản bởi vì việc ngăn chặn kiến nghị được thông qua sẽ giúp họ có thể tập trung vào việc sản xuất và ưu tiên phân phát các liều vắc xin cho người dân ở quốc gia họ. Còn người dân ở các nước đang phát triển và các nước nghèo khác không phải mối bận tâm chính của họ bây giờ.
Lí do phản đối kiến nghị
Theo số liệu tổng hợp của tờ The New York Times, có gần 100 quốc gia thành viên ủng hộ kiến nghị này. Tuy nhiên, hầu hết các quyết định tại W.T.O. được thực hiện bởi sự đồng thuận với nguyên tắc “Supermajority”. Nghĩa là để giải quyết một tranh chấp phải cần ít nhất từ 64% đến 90% số phiếu đồng thuận. Do đó, với một tổ chức gồm 164 thành viên, một số ít quốc gia có thể cản trở ý chỉ của đa số, thậm chí là siêu đa số.
Nói về quyết định của mình, đại diện thương mại của Hoa Kỳ cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực liên quan “tạo điều kiện khuyến khích đổi mới và cạnh tranh”. Đó chính là biện pháp tốt nhất để nhanh chóng sản xuất và phân phát bất kỳ loại vắc xin và phương pháp điều trị nào.
Liên minh Châu Âu lập luận rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ là rào cản thực sự của các loại thuốc và công nghệ liên quan đến Covid-19”. Phái bộ của Anh cũng đồng ý. Họ chỉ trích kiến nghị là “một biện pháp cực đoan để giải quyết một vấn đề chưa được chứng minh.”
Phát triển vắc xin Covid-19
Nếu xét về một khía cạnh khác, ta sẽ thấy rằng việc phản đối kiến nghị thực chất không vi phạm pháp luật, tuy nhiên nó lại đôi chút vi phạm về mặt đạo đức. Chẳng hạn, công ty công nghệ sinh học Hoa Kỳ Moderna nhận được tổng cộng khoảng 2,5 tỷ đô la tiền thuế của người dân. Số tiền khổng lồ đó bao gồm tiền hỗ trợ nghiên cứu và tiền đặt cọc phân phối trước cho vắc xin Covid-19. Moderna thừa nhận rằng khoảng 1 tỷ đô la tiền thuế mà công ty nhận được đã hoàn toàn đủ để chi trả hết chi phí phát sinh trong quá trình nghiên cứu.

Moderna đã cam kết không thực thi các quyền sáng chế đối với các tổ chức sử dụng vắc xin như biện pháp chống lại đại dịch. Nhưng như tổ chức Doctors Without Borders đã chỉ ra, lời đề nghị đó thực ra không hào phóng như mọi người tưởng. Bởi vì các loại tài sản trí tuệ khác như bí quyết hoặc bí mật thương mại có tầm quan trọng lớn hơn nhiều khi nói đến việc phát triển và sản xuất vắc-xin.
Dân trả tiền phát triển, rồi lại phải trả tiền mua?
Nói cách khác, vắc-xin được phát triển nhờ một phần hoặc toàn phần từ tiền đóng thuế của người dân. Những loại vắc-xin đó về cơ bản đã thuộc về người dân. Nhưng giờ đây, chính những người dân chi tiền ra hỗ trợ với mục đích chấm dứt đại dịch lại sắp phải trả tiền lần nữa để mua chúng.
Nguyên nhân cơ bản của vụ tranh chấp này là do các quốc gia không thể sản xuất đủ lượng vắc xin Covid-19 cần thiết để phân phát cho toàn thế giới. Mà vấn đề cốt lõi tạo nên tình huống này chính là các rào cản pháp lý liên quan đến luật sở hữu trí tuệ. Nếu không có bản quyền, việc sản xuất vắc xin sẽ diễn ra nhanh hơn do có nhiều bên tham gia hơn. Từ đó nhiều vắc xin được tạo ra hơn, chấm dứt xung đột phát sinh do lượng cung-cầu khác biệt.
-Monster Hunter-