Đối với bất cứ người làm việc văn phòng nào, hẳn các định dạng .rar, .zip, .7z,… hay gọi ngắn gọn là tệp tin “nén” chả còn xa lạ gì. Đáng tiếc thay, không phải định dạng tệp nén nào cũng có thể được xử lý đơn thuần trong Windows; đó là lí do nhiều người cài đặt phần mềm công cụ hỗ trợ xử lý dữ liệu này. Khỏi cần nhắc về độ nổi tiếng và khả năng của nó, nhiều người sẽ ưu tiên chọn WinRAR.

WinRAR không phải là một phần mềm miễn phí. Sau khi hết 40 ngày dùng thử, bạn phải mua bản quyền hoặc gỡ bỏ phần mềm ra khỏi máy.

Có rất nhiều phần mềm miễn phí trên thế giới, được chia sẻ bởi hàng chục triệu người. Nhưng WinRAR không nằm trong số đó. Giống như hầu hết các phần mềm, WinRAR cho phép người dùng được sử dụng thử đầy đủ tính năng trong một thời gian cố định, cụ thể là 40 ngày; rồi sau đó sẽ “yêu cầu” người dùng trả phí hoặc gỡ bỏ WinRAR khỏi máy tính của họ. Tiêu đề phía trên chính là thông điệp của WinRAR sau khi hết hạn dùng thử 40 ngày của WinRAR.

Này anh bạn! Tôi không phải hàng chùa đâu!

Tuy vậy, trong khi hầu hết các phần mềm đều giới hạn những tính năng sử dụng sau khi thời hạn 40 ngày sử dụng thử kết thúc, WinRAR lại không hề giới hạn bất kì một tính năng nào trong sản phẩm của mình. Do đó, nhiều người thường lầm tưởng rằng WinRAR là một phần mềm miễn phí.

Việc “yêu cầu” người dùng mua bản quyền WinRAR chỉ là thông điệp như trên. “WinRAR không phải là một phần mềm miễn phí. Sau khi hết 40 ngày dùng thử, bạn phải mua bản quyền hoặc gỡ bỏ phần mềm ra khỏi máy.”. Tất cả mọi người chỉ tốn chưa đầy 2 giây để tắt cửa sổ này; sau đó có thể tiếp tục sử dụng WinRAR như bình thường. Vậy phải chăng phần lập trình bảo mật cho bản quyền WinRAR này quá kém cỏi, hay nhà sản xuất thực sự có ngụ ý gì?

WinRAR: Một con báo trong hội đua chó

Nếu bạn chưa từng nghe về câu chuyên “con báo trong hội đua chó”; thì tóm tắt ngắn gọn lại là như sau: Một con báo sẽ không chạy đua với đàn chó vì nó biết sức mạnh của nó, không việc gì phải thể hiện với những kẻ yếu hơn. Tuy sản phẩm của mình không được mua bản quyền nhiều; WinRAR hoàn toàn không có động thái gì để ngăn ngừa điều đó.

Hầu hết các phần mềm khác đều có hành động quyết liệt bảo bệ bản quyền sản phẩm của mình. Từ việc giới hạn tính năng sản phẩm; cho đến tiêu cực hơn là tự động gỡ cài đặt khi hạn dùng thử kết thúc. WinRAR chỉ nhẹ nhàng “nhắc nhở” cho người dùng biết “thời khắc đã điểm”; và “bạn nên mua sản phẩm đi, WinRAR không có miễn phí.”

WinRAR vẫn cung cấp cho người dùng đầy đủ tính năng, mặc dù thời gian dùng thử đã kết thúc

Khác biệt với đồng nghiệp

So WinRAR với “người anh em” WinZIP, WinRAR được coi như “đứa em” mà mọi người luôn yêu quý, chiều chuộng hơn. Dù tính năng của hai phầm mềm này không quá khác biệt, bước đi “lạ lùng” của “cậu em” lại giúp hình ảnh của WinRAR nổi tiếng hơn hẳn. Phải chăng WinRAR hiểu được tâm lý người dùng? Rằng càng cố gắng “ép buộc” người dùng mua và tôn trọng bản quyền của mình; xu hướng người dùng “nhảy qua” một sản phẩm khác lại càng cao? Rằng khi “thả lỏng” tâm lý người dùng, ắt họ sẽ nhận ra giá trị đích thực của WinRAR; tôn nó lên làm “con báo” trong đội ngũ “chó đua” đang tranh nhau chạy về đích?

Danh tiếng của WinRAR hiện chiếm vị trí cao trong lòng người dùng, nhưng WinRAR được coi như một “phần mềm miễn phí”; thì rốt cục, nhà sản xuất được lợi ích gì?

Lạ kì từ những bước đi; cho tới kết quả gặt hái được

Với chính sách “yêu cầu” mua bản quyền của WinRAR ở một mức “quá đối tốt để có thể là hiện thực”, nhiều người thường trêu rằng đây thực chất là một thử thách của chúa nhằm đánh giá phẩm chất của con người. Hầu hết mọi người đều trượt bài kiểm tra này; một anh chàng lỡ “xỉn” quá đà và vô tình đặt hàng WinRAR lại được cho vào thiên đàng!

Rốt cục thì bên cạnh hại gan hại thận, rượu lại giúp cho anh chàng được này lên thiên đàng!

Thực ra, khi trả lời phỏng vấn của Softonic, ông Burak Canboy, CEO của WinRAR hoàn toàn nhận thức được vấn đề nói trên. Ông cho biết rằng khi người sử dụng có thể sử dụng đầy đủ phần mềm mà không cần phải trả tiền; thì chả việc gì mà họ phải tìm đến một phần mềm crack độc hại đến máy tính. Và đúng như vậy, trên mạng internet gần như không tồn tại bất cứ dấu vết gì liên quan tới việc “bẻ khóa” WinRAR. Ngoài ra, việc “hào phòng” cho phép người dùng sử dụng WinRAR như “một phần mềm miễn phí” cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu cho phần mềm này.

Vậy lợi nhuận từ đâu?

“Khi người sử dụng có thể sử dụng đầy đủ phần mềm mà không cần phải trả tiền, thì chả việc gì mà họ phải tìm đến một phần mềm “đã bẻ khóa” (crack) độc hại đến máy tính.” (ông Burak Canboy, ảnh: GenK)

Nếu đã có chính sách như vậy, thì WinRAR thu lợi nhuận từ đâu? Nắm bắt được thực trạng tiêu dùng như vậy, WinRAR tập trung nguồn thu của mình tới những công ty, tập đoàn lớn. Việc mất 1-2 giây để xử lý “yêu cầu” nhẹ nhàng của WinRAR sẽ chả ảnh hưởng quá nhiều.

Tuy nhiên, với những công ty tập đoàn lớn, việc phải xử lý số liệu liên tục; thì cái “yêu cầu” vốn dĩ nhỏ nhẹ của WinRAR lại trở thành một thứ “vướng mắt” đối với các tập đoàn. Các công ty mang tư cách pháp nhân còn có nguy cơ phải đối mặt với đơn kiện của WinRAR; với cáo buộc sử dụng sản phẩm trí tuệ vượt quá thời gian cho phép. Vì vậy, việc đầu tư “mua đứt” các rủi ro này là một điều xứng đáng để hạn chế các thiệt hại pháp lý về sau.

Con báo WinRAR

Được coi như một “phần mềm miễn phí”; những chính chiến lược lạ lùng này lại có thể tận dụng người dùng như một nguồn quảng bá sản phẩm một cách “vô tận”. Nhưng bù lại, đối với các công ty, thì WinRAR này lại là một “con báo” thực sự; bởi lẽ WinRAR sẵn sàng “tấn công” bất kì công ty nào dám ngó lơ lời “nhắc nhở nhẹ nhàng”. Nếu như bạn thực sự cảm thấy WinRAR là một sản phẩm hữu dụng, hãy cho WinRAR biết bằng cách ủng hộ cho họ những “đồng tiền” mà họ xứng đáng có được. Biết đâu đó chính là tấm vé để giúp cho bạn lên thiên đường?

-Iron Castle-