Nghệ thuật và bản quyền là hai khái niệm rất dễ bắt cặp với nhau. Vũ đạo được nhiều người coi là một hình thức nghệ thuật; tuy nhiên bản quyền vũ đạo lại không phải là một khái niệm được định hình. Mới đây, biên đạo múa JaQuel Knight đã cho ra mắt công ty bản quyền đối với vũ đạo.
Có thể đăng ký bản quyền vũ đạo không?
Để trả lời cho câu hỏi này, ta phải tự hỏi xem vũ điệu có là một sản phẩm của sức sáng tạo không? Tất nhiên là có! Tuy nhiên để đánh giá điệu nhảy, trước giờ ta thường quy nó vào một điệu nhảy theo loại nhạc. Điển hình ngày nay ta có thể thấy với các nhạc hiện đại thì ta có nhảy hiện đại như breakdance, shuffle dance, sexy dance,… còn nhạc truyền thống thì có khiêu vũ, kịch ballet,…. Thế nhưng phong cách phân loại này lại quá bó hẹp; và vô tình giới hạn khả năng kết hợp và đổi mới của các nghệ sĩ.
Vậy vũ điệu có phải một hình thức nghệ thuật không? Câu hỏi này phải xét tới khái niệm và mục đích của nghệ thuật. Nghệ thuật là một tấm gương để phản chiếu những tâm tư, suy ngẫm và cảm xúc của con người. Điệu nhảy cũng là một hình thức vô cùng hữu hiệu để thể hiện cảm xúc của con người. Các điệu nhảy hiện đại có thể là một sự phá cách, sự tự tin; còn điệu nhảy truyền thống là thể hiện cảm xúc nội tâm,… Vì vậy, sẽ không sai khi nói rằng vũ điệu là một hình thức nghệ thuật.
Như vậy, một hình thức nghệ thuật có sức sáng tạo hoàn toàn có thể được đăng ký bản quyền.
Sức ảnh hưởng của vũ đạo trong nghệ thuật
Các điệu nhảy thể hiện vai trò tốt nhất khi đi kèm với điệu nhạc. Thế nhưng có vẻ như ta quá quan tâm vào bản quyền cho lời hát hay phối âm; mà quên mất rằng vũ đạo là một tình tiết làm nên nhiều phần màu sắc của màn biểu diễn. Đúng vậy, điều này thể hiện rõ nhất là trong các MV (Music video) có nhiều màn vũ đạo như Pop. Và nếu nói đến vũ đạo Pop, thì không bao giờ ta có thể bỏ qua ông hoàng Michael Jackson.
Đối với bất cứ người yêu thích nhạc pop nào, chỉ cần nhắc đến điệu moonwalk, ắt sẽ nghĩ tới Michael Jackson. Nếu được so sánh với nhãn hiệu, thì điệu “moonwalk” cũng như một nhãn hiệu nổi tiếng; phân biệt được phong cách của Michael Jackson với biết bao nghệ sĩ làng pop khác. Từ đó, ta có thể thấy rằng với những bài vũ đạo được xây dựng công phu, nó có thể là một công cụ hữu hiệu để làm nổi bật một tác phẩm so với những tác phẩm khác.
Bản quyền vũ đạo và sự phát triển cùng thời gian
Âm nhạc hiện đại có sự biến hóa khôn lường, những hình thức nghệ thuật gắn với nó cũng vậy. Có một vài điệu nhảy, ví dụ như “backpack kid” (hoặc hàng loạt các điệu nhảy dễ nhớ như được Fortnite thể hiện lại), có thể không có giá trị với một vài người, lại có thể có giá trị với vô vàn người khác. Có nhiều loại nhạc mới chưa phân rõ thể loại, nhưng chúng được đăng ký bản quyền đầy đủ; vũ điệu cũng đã trở nên vô cùng đa dạng, thoát ly ngay cả với sự phân loại của hệ thống nhảy hiện đại.
Bởi vì đó là nghệ thuật, nó có giá trị với mỗi người khác nhau. Và nghệ thuật cũng thay đổi với thời gian. Song song với nó, bản quyền cũng phải thiết lập để bảo vệ quyền lợi những người tạo ra chúng.
Ra mắt công ty bản quyền vũ đạo
JaQuel Knight là một nhà biên đạo nhảy có tên tuổi, anh từng làm việc với những gương mặt đình đám giới nghệ sĩ như Britney Spears, Nicole Scherzinger, Rihanna và Tinashe. Nhà biên đạo nhảy người Mỹ cũng là người có công đóng góp vào các màn vũ đạo trong nhiều ca khúc đình đám và thịnh hành của năm 2020.
Những vấn đề về bản quyền vũ đạo rấy lên từ chương trình “The Tonight Show”. Vào buổi công chiếu hôm đó, chương trình có sự tham gia của một ngôi sao Tik Tok Addison Rae. Cô đã tái hiện nhiều màn nhảy “Iconic” mà không công nhận sự sáng tạo của tác biên đạo nhảy. Hành vi của cô nhận được vô cùng nhiều phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Khi trả lời phỏng vấn, Knight nói: “Đăng ký bản quyền là đưa sức mạnh trở lại tay nghệ sĩ”. Công ty bản quyền vũ đạo của anh sẽ hoạt động theo cách thức như một nhà sản xuất âm nhạc. Họ có trách nhiệm môi giới, giao dịch các hợp đồng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoại trừ đăng ký bản quyền âm nhạc, công ty Biên đạo múa và Sản xuất âm nhạc Knight sẽ giám sát quyền đối với các bước nhảy của nghệ sĩ.
Tương lai bản quyền vũ đạo
Đạo nhái trong lĩnh vực sáng tạo không phải một vấn đề xa lạ. Nhưng khó khăn nhất chính là cái nhìn của công chúng về vũ đạo. Tuy cũng là sản phẩm của sự sáng tạo, các màn vũ đạo lại chưa được công nhận một cách rõ ràng, làm cho ranh giới phân định vô cùng mơ hồ. Điều này càng tạo điều kiện cho nhiều cá nhân lợi dụng “đạo” vũ đạo để làm nổi bật tác phẩm của mình.
Việc thiết lập bản quyền vũ đạo chính là giúp người nghệ sĩ bảo vệ đứa con tinh thần của mình.