Tin vui cho các nước có thu nhập trung bình và thấp, theo thông báo từ Moderna, hãng này sẽ bỏ bản quyền trọn đời vaccine Covid-19 đối với các nước thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, hãng dược này cũng có kế hoạch phát triển và thử nghiệm vaccine chống lại 15 trong số những loại bệnh đáng lo ngại nhất thế giới.

Mới đây, theo chiến lược phát triển mới, Chủ tịch Moderna Stephen Hoge cho biết, để phát triển vaccine ngăn ngừa khoảng 15 mầm bệnh như Crimea-Congo, sốt xuất huyết, Ebola, sốt rét, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), COVID-19, Moderna hiện đang cộng tác với các đối tác. Một phần trong kế hoạch chống đại dịch trong tương lai, Moderna dự định cung cấp công nghệ mRNA cho các nhà nghiên cứu đang bào chế vaccine mới phòng ngừa các bệnh mới xuất hiện hoặc những bệnh không được chú ý đến thông qua chương trình có tên “Tiếp cận mRNA”.

Nỗ lực tiêm bao phủ vaccine ngừa COVID-19

Khi cuộc khủng hoảng y tế trong giai đoạn khẩn cấp, Moderna cũng đã cam kết miễn trừ quyền bảo hộ sáng chế vaccine ngừa COVID-19. Công ty thông báo sẽ kéo dài quyền miễn trừ này vô thời hạn đối với 92 nước thu nhập trung bình và thấp theo Cam kết Thị trường tiên tiến COVAX (COVAX AMC) về phân phối công bằng vaccine. Điều này đã cho phép phát triển một nhà máy sản xuất vaccine ở châu Phi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ như một phần của dự án thí điểm trao cho các nước thu nhập thấp và trung bình bí quyết để sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Hãng dược phẩm của Mỹ cũng thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên của mình ở châu Phi. Họ hy vọng nhà máy có thể đáp ứng nhu cầu của các nước châu Phi vào đầu năm 2023 trong nỗ lực tiêm bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cho người dân châu lục này.

Moderna sẽ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 cho 92 nước thu nhập trung bình và thấp (Ảnh: japantimes.co.jp)

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta bày tỏ sự đánh giá cao vai trò của Moderna, việc hãng dược phẩm này đầu tư tại Kenya sẽ giúp thúc đẩy tiếp cận vaccine toàn cầu, là biểu tượng của sự phát triển cấu trúc giúp châu Phi trở thành một động lực trong tăng trưởng toàn cầu bền vững.

Hơn 1 năm kể từ khi thế giới có người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) châu Phi,  đến nay mới có 12,7% dân số châu lục này hoàn thành liều tiêm chủng cơ bản. Đại dịch đã bộc lộ rõ sự phụ thuộc to lớn của châu Phi vào nguồn vaccine nhập khẩu và sự tụt hậu của Lục địa đen so với các nước châu Âu, Trung Quốc và Mỹ về công nghệ phát triển vaccine.