Nhằm tăng cường hiệu quả hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngày 10 tháng 3 năm 2022 tại Hà Nội, Lễ ký kết thoả thuận phối hợp về hỗ trợ, tư vấn và đào tạo, phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ đã được phối hợp tổ chức bởi năm cơ quan gồm: Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết thoả thuận phối hợp về hỗ trợ, tư vấn và đào tạo, phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ  bao gồm:

  • Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả;
  • Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ;
  • Bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
  • Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;

Lễ ký kết thoả thuận phối hợp về hỗ trợ, tư vấn và đào tạo, phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Hiện nay, sở hữu trí tuệ đang dần trở thành một khái niệm thông thường trong xã hội. Giờ đây, người dân Việt Nam nói riêng và toàn thể thế giới nói chung đã có một khái niệm nhất định về bản quyền, nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,…, đặc biệt là ở lĩnh vực bản quyền tại Việt Nam với nhiều vụ tranh cãi, lùm xùm bức bối.

Lễ ký kết thoả thuận phối hợp về hỗ trợ, tư vấn và đào tạo, phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Tuy nhiên, xã hội Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ, tư vấn và đào tạo nhất định về lĩnh vực SHTT bởi lẽ hiện nay, tình trạng nhầm lẫn giữa bản chất của các loại tài sản trí tuệ như thương hiệu, nhãn hiệu vẫn còn phổ biến.

Điều này có thể là một vấn đề nhỏ hiện tại nhưng nó sẽ có khả năng trở thành vấn đề lớn trong thời gian dài bởi lẽ tài sản trí tuệ sẽ có giá trị lớn hơn rất nhiều khi quá trình hội nhập, toàn cầu hóa được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Khi đó, việc nhận thức, bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, giá trị lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. 

Những lí do trên càng làm nổi bật tầm quan trọng của lễ ký kết thoả thuận phối hợp về hỗ trợ, tư vấn và đào tạo, phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ được tổ chức bởi Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả, Cục Trồng trọt – ba cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cùng với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Thông qua đơn vị trực thuộc là Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, công tác sở hữu trí tuệ đã được chú trọng thực hiện, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích cho mọi cá nhân, tổ chức có đóng góp sáng tạo cho xã hội, góp phần tạo động lực để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong xã hội.

(Theo Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn)