Sau việc số lượng hành vi vi phạm gia tăng từng ngày của các vụ đạo nhái, giả mạo thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, cuối cùng cha đẻ đích thực của thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 đã phải chính thức lên tiếng kêu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà nước trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT cho thương hiệu gạo ST25.

Mới đây, Tổng cục QLTT đã thông báo nhận được đơn đề nghị của ông Hồ Quang Cua cho việc giúp đỡ bảo vệ thương hiệu giống lúa và 2 loại gạo ngon nổi tiếng đoạt giải là ST24 và ST25 tại thị trường Việt Nam vốn vẫn đang còn nhiều biến động.

Vụ lùm xùm xung quanh nhãn hiệu gạo ST25 và các hành vi đạo nhái đã được cộng đồng Việt chú ý đến từ hồi cuối tháng 4 năm 2021 khi có 4 doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường này. Chỉ sau một thời gian ngắn vào mùng 3/5/2021, lại có một doanh nghiệp ngoại khác là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST24, ST25 kèm nội dung “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”.

Cùng tháng, cộng đồng Việt Nam trong nước và quốc tế đã phải bàng hoàng khi biết tin tạp chí The Rice Trader – Ban tổ chức của cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” đã cảnh báo rằng Việt Nam có thể sẽ bị tước quyền dự thi gạo ngon nhất thế giới do nhiều cá nhân, tổ chức tự ý gắn mác “gạo ngon nhất trên thế giới” lên sản phẩm của mình bán ra thị trường.

Tuy nhiên, dẫu đã được cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này chính là vì số lượng hành vi vi phạm diễn ra ở tần suất quá nhiều, quá thường xuyên trên quy mô lớn khiến lực lượng chức năng không thể nào quản lí hết được.

Thậm chí, tình trạng đạo nhái, sử dụng thương hiệu một cách bừa bãi còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Ông Hồ Quang Cua cho biết rằng vẫn còn đang có rất nhiều đơn vị lạm dụng và tự ý sử dụng dòng chữ “The World’s Best Rice” (“Gạo ngon nhất thế giới”) mà không hề xin phép ông, dù cho cụm từ này đã được gia đình ông đăng ký độc quyền tại Mỹ.

“Giống lúa ST25 đã được Cục trưởng Cục trồng trọt – Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ cho tác giả: Hồ Quang Cua và đồng tác giả: Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương” ông Cua chia sẻ.

Bảo hộ giống gạo và thương hiệu Việt

Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Cua, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý.

Qua đó, Tổng cục QLTT cho biết rằng phía cục và gia đình ông Cua đã trao đổi chi tiết và qua đó đã hướng dẫn gia đình ông trong việc cải thiện, hoàn thiện hồ sơ, xóa bỏ các nút thắt để có thể có được sự bảo hộ tốt hơn đối với các quyền SHTT của mình.

Không chỉ thương hiệu gạo ST25, Tổng cục QLTT cho biết rằng các cơ quan QLTT sẽ liên tục nỗ lực để giúp đỡ các doanh nghiệp bảo hộ các quyền SHTT chính đáng của mình, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế và hình ảnh thương hiệu Việt Nam trên khán đài quốc tế.

Tối hậu thư cho doanh nghiệp Việt

Trong một buổi phỏng vấn với VnExpress chiều 22/12, ông Cua cho biết rằng ông rất buồn khi liên tục nhận được lời cảnh báo của tổ chức The Rice Trader (TRT) về việc có quá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự ý sử dụng trái phép thương hiệu “The World’s Best Rice” của họ, gián tiếp và trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức này.

The Rice Trader là tạp chí hàng đầu thế giới chuyên phân tích sâu về ngành gạo toàn cầu. TRT có trụ sở tại Mỹ và đã bắt đầu Hội nghị gạo thế giới từ năm 2008.

Giải thưởng gạo ngon nhất thế giới “World’s Best Rice” là giải thưởng độc quyền được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới liên tục trong 12 năm do TRT sáng lập và là chủ sở hữu duy nhất.

Năm 2019, tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 tại Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng này với loại gạo ST25. Vào năm 2020, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ hai tại cuộc thi này, chỉ đứng sau gạo Thái Lan Hom Mali.

Thương hiệu gạo ST25 chưa mất, doanh nghiệp cần khẩn trương chứng minh |  Tin tức mới nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn
Lời kêu cứu của cha đẻ thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” ST25

Bà Phan Mai Hương, Giám đốc phát triển kinh doanh của The World’s Best Rice cho biết, qua điều tra, TRT đã phát hiện rằng không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà cả doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng đang “vô tư” sử dụng thương hiệu và danh xưng nói trên của TRT trên bao bì gạo của họ để kinh doanh. Khi TRT Việt Nam liên hệ với các đơn vị này để làm rõ thì chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực, thậm chí là phớt lờ cảnh báo. Tới nay, vẫn nhiều doanh nghiệp gắn mác ST25 để bán hàng ra thị trường.

Tổ chức này cho biết rằng nếu hành vi này tiếp tục diễn ra, họ sẽ có những hình phạt xác đáng cho thương hiệu của ông nói riêng và toàn thể doanh nghiệp Việt nói chung, cụ thể như khả năng cấm Việt Nam tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” trong những năm tới.

Hiện tại, để chứng minh rằng tổ chức mình thật sự nghiêm túc trong việc này, The Rice Trader cho biết rằng trong thời gian tới, họ sẽ giám sát, theo dõi sát sao các nhà chức trách Việt Nam, bao gồm các bộ phận quản lí chịu trách nhiệm quản lí thị trường trong thời gian tới trong việc đảm bảo rằng tình trạng đạo nhái, lạm dụng, sử dụng bừa bãi thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” không còn tái diễn nữa.

Sau một thời gian giám sát, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong việc có tước quyền dự thi của Việt Nam hay không, cũng như về việc đưa ra các hình phạt khác.

Rắc rối trong việc thực thi và bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam

Ngoài rắc rối về số lượng các hành vi vi phạm diễn ra quá nhiều, một vấn đề nghiêm trọng nữa ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ thương hiệu ST25 ở Việt Nam chính là bản thân cụm từ “The World’s Best Rice”.

Tổng Cục QLTT cho biết rằng theo quy định của Luật pháp Việt Nam về SHTT, cụm từ “The World’s Best Rice” này không được bảo hộ độc quyền trong nước.

Qua đó, sẽ rất khó khăn cho các lực lượng chức năng xử phạt các đối tượng sử dụng cụm từ mà gia đình ông Cua cho là xâm phạn quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.

Không chỉ vậy, điều đáng nhắc đến nữa là hiện tại doanh nghiệp gia đình ông Hồ Quang Cua mới chỉ đăng ký thành công và có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Còn 2 nhãn hiệu khác ông đã nộp là “Gạo Ông Cua”, “Gạo ST” hiện vẫn đang trong tình trạng xử lý và hiện tại ta không thể nào biết được 2 nhãn hiệu này bao giờ sẽ được đăng ký, hay thậm chí có thể được đăng ký bảo hộ thành công hay không.

Theo đó, 2 nhãn hiệu này hiện tại sẽ vẫn chưa được bảo hộ tại Việt Nam và qua đó không thể nào xử ký các đối tượng sử dụng các nhãn hiệu này.

Ngoài ra, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên gia đình ông Cua cũng chưa có hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Tình trạng nhãn hiệu đang chờ xử lý cùng với việc thiếu các tài liệu cần thiết khiến cho việc bảo hộ các nhãn hiệu này không thể được tiến hành trên phạm vi toàn quốc bởi lẽ lực lượng quản lý thị trường chưa có đủ căn cứ để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu này.