Với mong muốn phát triển theo hướng “khởi nghiệp xanh”, nhóm sinh viên của trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2) đã nảy ra ý tưởng tận dụng nguyên liệu tự nhiên là sợi nấm để sáng chế ra sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.

Dự án FOONGUS là dự án về bao bì sản phẩm làm từ sợi nấm được thực hiện bởi nhóm gồm bốn sinh viên: Phan Mai Hiền, Nguyễn Thị Tú Anh, Dương Ngọc Ánh Tuyết và Nguyễn Quỳnh Chi. Nhóm được truyền cảm hứng khởi nghiệp với lĩnh vực “sản phẩm xanh” khi là thành viên của Cộng đồng khởi nghiệp trẻ EHub. Ý tưởng của dự án đến từ mục tiêu giảm thiểu tác hại của việc các loại thùng xốp khó phân hủy được thải ra môi trường với số lượng lớn. Từ đó, nhóm bắt tay tìm tòi nguyên liệu thay thế xốp làm thùng và đã tìm ra sợi nấm.

Sáng chế sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường

“Nguyên liệu sản phẩm gồm sợi nấm và các phế phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, bã mía, vỏ bông, lõi ngô). Chúng có ưu điểm khi kết hợp sẽ tạo ra vật liệu tiềm năng, bền chắc, có thể thay thế xốp thông thường. Sợi nấm và các chất thải nông nghiệp được mua từ các trại nấm tại các tỉnh, thành phố lân cận TP. HCM”, Phan Mai Hiền (trưởng nhóm) chia sẻ.

Các thành viên của dự án FOONGUS.

Theo đó, công dụng của bao bì dạng này là dùng để đóng gói các loại sản phẩm hàng hoá, chủ yếu là thiết bị, linh kiện điện tử hoặc những mặt hàng gắn với hình ảnh thân thiện môi trường như mỹ phẩm thiên nhiên. Sản phẩm mẫu hoàn chỉnh sẽ là loại thùng có kích thước trung bình như các thùng xốp trên thị trường. Ngoài ra, nhóm cũng thực hiện khuôn xốp định hình với thiết kế riêng, bảo vệ mặt hàng dễ vỡ. Sản phẩm này hiện tại chỉ thay thế loại thùng và khuôn xốp EPS phổ biến trên thị trường (gây hại với môi trường, khả năng tái chế thấp nhất trong tất cả loại xốp).

Mai Hiền cho biết: “Vì nguyên liệu dễ tìm và khâu sản xuất đơn giản nên giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh với giá của xốp EPS”. Với tính chất tự phân hủy, dù xử lý bằng hình thức chôn vùi hay đốt thì sản phẩm này vẫn không tồn ứ trong môi trường hay thải ra chất độc. Thay vào đó, khi phân hủy, sản phẩm này đóng vai trò như phân bón hữu cơ cho cây trồng, đem đến cho người dùng trải nghiệm về việc tái sử dụng sản phẩm với mục đích bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm trì hoãn quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm của nhóm. Bên cạnh đó, tất cả thành viên đều là sinh viên kinh tế, không có nhiều chuyên môn về lĩnh vực sinh học nên gặp khá nhiều trở ngại trong việc nghiên cứu tài liệu để vận dụng vào thực tế với độ chính xác cao.

Ngoài ra, vì dự án đang trong giai đoạn gọi vốn nên chi phí thực hiện là của các thành viên. Tuy nhiên, nhóm cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà trường cũng như từ Cộng đồng khởi nghiệp trẻ EHub. Nhằm quảng bá dự án, nhóm đã đem FOONGUS đến cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2021” và dự định sẽ tiếp tục cọ xát, học hỏi ở các cuộc thi khác. Vừa qua, nhóm cũng đã chọn vườn ươm ESC (EHub Startup Community) là nơi đồng hành và giúp nhóm có sự chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc thi sắp tới.

Hiện tại, đây mới là ý tưởng và đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm mẫu của dự án. Nhóm đang tìm thêm cộng sự có chuyên môn về kỹ thuật để có thể tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tiếp tục phát triển dự án và đưa sản phẩm ra thị trường.