Tiếp nối bài viết Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ (Phần 1), bài viết sau sẽ tiếp tục đánh dấu những mốc thời gian quan trọng tạo nên bộ Luật Bản Quyền của Mỹ hiện nay, chủ yếu xoay quanh những dấu ấn trọng đại trong thế kỉ 20.
1891: Nhu cầu gia nhập/thành lập Công ước Bản quyền Quốc tế
Dù rằng Công ước Berne đã được ra đời vào năm 1886 nhưng mãi đến năm 1988, hơn 1 thế kỉ sau thì Mỹ mới chính thức ký kết và trở thành một thành viên của Công ước này.
Chính vì vậy, trong 100 năm đó, phạm vi bảo hộ bản quyền của Mỹ vẫn chịu giới hạn trong lãnh thổ Mỹ và chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu kết nối, mở rộng của Mỹ với các quốc gia khác trên thế giới và ngược lại.
Sự hạn chế về phạm vi bảo hộ bản quyền này được cảm nhận rõ ràng bởi các tác giả Châu Âu trong thời kì đó. Họ không thể thu lợi nhuận từ việc xuất bản với giá thành như ở các quốc gia của họ tại ‘thế giới mới’ này. Qua đó, họ phải bán các tác phẩm của họ với giá cực kì thấp và từ đó tạo nên một phong trào gọi là “sách giá rẻ” (cheap books) ở Mỹ.
Vào khoảng nhưng năm 1880 – 1890, vài chục năm sau cuộc Nội chiến ở Mỹ, các cuốn sách giá rẻ, gần như miễn phí được bán tràn lan trên khắp mọi ngóc ngách ở Mỹ, đe dọa đến giá sách đã được thiết lập bởi các nhà xuất bản lớn nói riêng và nền kinh tế của toàn nước Mỹ nói chung.
Chính vì vậy, đến năm 1891, các công đoàn tác giả, nhà xuất bản và nhà in ấn nổi tiếng đã hợp tác, chung tay kêu gọi việc thành lập/gia nhập một bản dự luật/công ước về bản quyền quốc tế.
1909: Sửa đổi Luật Bản quyền Mỹ
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ của các tác phẩm, bản sửa đổi lớn thứ ba của Luật Bản quyền Mỹ đã được ký bởi tổng thống Theodore Roosevelt vào năm 1909.
Theo đó, bản sửa đổi đã mở rộng phạm vi các tác phẩm được bảo vệ để bao gồm tất cả các tác phẩm có quyền tác giả và kéo dài thời hạn bảo hộ lên 28 năm với khả năng gia hạn là 28 năm nữa. Qua đó, tại thời điểm này, một tác phẩm sẽ có thời gian bảo hộ tối đa là 56 năm.
Không chỉ vậy, bản sửa đổi cũng quy định rằng bản quyền của các tác phẩm đã xuất bản được bảo hộ kể từ ngày xuất bản đầu tiên với thông báo thích hợp.
1912: Các hình ảnh chuyển động (motion picture) được bảo hộ
Motion picture, hình ảnh chuyển động, hay đến hiện tại vẫn được ví như các bộ phim lần đầu tiên được chính thức xem là một tác phẩm được bảo hộ bản quyền vào năm 1912 tại Mỹ. Trước đó, chủ sở hữu của các hình ảnh chuyển động này vẫn phải đăng ký bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm của họ dưới dạng một loạt ảnh tĩnh.
Ngày 12/9/1912, công ty điện ảnh Republic Film đã đăng ký bản quyền hình ảnh chuyển động đầu tiên là ‘bộ phim’ Black Sheep’s Wool.
1914: Mỹ chính thức gia nhập Công ước Bản quyền Quốc tế đầu tiên
Vào năm 1914, tổng thống Woodrow Wilson đã tuyên bố rằng Mỹ chính thức gia nhập vào Công ước Buenos Aires – Công ước Bản quyền Quốc tế đầu tiên của Mỹ (mặc dù việc ký kết đã được thực hiện vào năm 1911)
1952: Công ước về bản quyền toàn cầu (Universal Copyright Convention)
Công ước về bản quyền toàn cầu (Universal Copyright Convention – UCC) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát triển để thay thế cho Công ước Berne cho những quốc gia không đồng ý với các khía cạnh của Công ước Berne nhưng vẫn muốn tham gia vào một số hình thức bảo vệ bản quyền đa phương.
Những quốc gia này bao gồm các nước đang phát triển cũng như Hoa Kỳ và hầu hết các nước Mỹ Latinh. Hầu hết các quốc gia này cho rằng các biện pháp bảo vệ bản quyền mạnh mẽ do Công ước Berne ban hành đã mang lại lợi ích quá cao cho các quốc gia phương Tây và các nước phát triển, có hệ thống bản quyền mạnh mẽ và chủ yếu là các quốc gia ‘xuất khẩu’ bản quyền sang các quốc gia khác yếu hơn về lĩnh vực này.
Riêng phần Mỹ, quốc gia này không muốn gia nhập Công ước Berne khi nó mới được ban hành bởi điều đó nghĩa là Mỹ sẽ phải trải qua một sự tái cơ cấu lại hoàn toàn hệ thống của nó trên mức độ toàn quốc ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi đó Mỹ vẫn còn là một quốc gia non trẻ và vừa trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu.
Chính vì vậy mà vào năm 1914 Mỹ mới gia nhập vào Công ước Buenos Aires vốn có các điều khoản về bản quyền yếu hơn nhưng vẫn khá toàn diện và đáp ứng được nhu cầu thay đổi dần dần của Mỹ.
Tiếp đó, vào năm 1952 Mỹ tiếp tục gia nhập Công ước về bản quyền toàn cầu bởi giờ đây Mỹ đã có thể tiếp tục thích ứng và phát triển, đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ của thế giới ở một mức độ nào đó.
1976: Sửa đổi Luật Bản quyền
Bản sửa đổi Luật Bản quyền Mỹ năm 1976 là một trong những bản sửa đổi quan trọng nhất trong lịch sử, hình thành nên nền tảng của luật bản quyền ở Mỹ ngày nay. Bản sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 1978 và đã tạo nên những thay đổi thiết thực và sâu rộng trong nhiều khía cạnh của luật bản quyền.
Việc xây dựng và sửa đổi đạo luật năm 1976 được thực hiện sau khi lắng nghe ý kiến từ các phiên điều trần và tham khảo các bản sửa đổi từ năm 1964 đến năm 1976 và có sự tham gia của các nhóm lợi ích, bao gồm tác giả, nhà xuất bản và các nhà sản xuất tác phẩm có bản quyền, nhà giáo dục, thư viện và công chúng nói chung.
Việc sửa đổi luật bản quyền năm 1976 được thực hiện vì hai lý do chính.
Đầu tiên là vì sự phát triển của công nghệ và tác động của chúng đối với những gì có thể có bản quyền, cách các tác phẩm có thể bị sao chép và điều gì đã cấu thành một hành vi vi phạm cần được giải quyết.
Thứ hai, việc sửa đổi được thực hiện như bước đầu tiên chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước Berne mà Mỹ đã kéo dài việc gia nhập trong gần 100 năm. Qua đó, bản sửa đổi này chính là bước chuẩn bị quan trọng nhất cho việc ký kết Công ước Berne của Mỹ vào năm 1988 để ngay sau khi ký kết, Mỹ có thể có cơ sở vững chắc được thiết lập trong hơn 1 thập kỷ qua chứ không cần phải bị động, thay đổi khi được yêu cầu hay còn được biết đến như ‘nước đến chân mới nhảy.’
Đạo luật này bao gồm các lĩnh vực: phạm vi và đối tượng của tác phẩm được đề cập, độc quyền, thời hạn bảo hộ, thông báo bản quyền và đăng ký bản quyền, vi phạm bản quyền, sử dụng hợp pháp và biện pháp bảo vệ và các biện pháp khắc phục vi phạm.
Với bản sửa đổi này, lần đầu tiên các học thuyết về sử dụng hợp lý (fair use) và bán hàng đầu tiên (first sale doctrine) đã được hệ thống hóa và bản quyền được mở rộng cho các tác phẩm chưa được xuất bản.
Cụ thể, sự bảo hộ bản quyền đã được mở rộng cho tất cả “các tác phẩm gốc của quyền tác giả” để tính đến việc các loại phương tiện truyền thông mới được giới thiệu đến công chúng trên thế giới. Quốc hội đã thông qua việc mở rộng ngôn ngữ này để tránh phải liên tục sửa đổi luật bản quyền để giải thích cho sự phát triển của công nghệ và phương tiện biểu đạt mới, chẳng hạn như các bức ảnh tĩnh, hình ảnh chuyển động hoặc các bản ghi âm.
Một trong những điều quan trọng nhất trong số những thay đổi được đưa ra vào năm 1976 là việc tạo ra sự bảo hộ bản quyền liên bang cho mọi tác phẩm ngay khi nó được tạo ra – tức là khi tác phẩm lần đầu tiên được cố định trong một phương tiện biểu đạt hữu hình.
Ngoài ra, để làm cho luật bản quyền của Mỹ phù hợp hơn với luật bản quyền của các quốc gia còn lại trên thế giới, Quốc hội Mỹ đã thiết lập nên thời hạn bảo hộ bản quyền của các tác phẩm dựa trên tuổi thọ của tác giả. Cụ thể, Đạo luật năm 1976 đã phủ nhận tất cả các luật bản quyền trước đây và kéo dài thời hạn bảo hộ đến suốt cuộc đời của tác giả cộng thêm 50 năm (các tác phẩm Work for hire có người chủ là công ty, cá nhân, hợp danh,… đứng ra thuê được coi là tác giả sẽ được bảo hộ trong 75 năm).
Không chỉ vậy, bản sửa đổi lần này cũng có thêm điều khoản cho phép việc sao chép các tác phẩm được bảo hộ bản quyền mà không cần xin phép nếu như mục đích sao chép nhằm thiết lập nên học bổng, bảo quản và cho mượn liên thư viện trong một số trường hợp nhất định,…
1988: Công ước Berne
Mỹ chính thức ký kết và gia nhập Công ước Berne vào ngày 16 tháng 11 năm 1988. Sau khi gia nhập Công ước Berne, hệ thống luật bản quyền của Mỹ đã có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, về cơ bản, việc gia nhập này không phải là một sự cải thiện đột biến với Mỹ bởi quốc gia này đã chuẩn bị cho việc gia nhập vào Công ước Berne trong 102 năm và tất cả những thay đổi, yêu cầu, điều kiện quan trọng của Công ước Berne đã được Mỹ hệ thống hóa dần dần trong một thế kỉ qua với việc gia nhập các Công ước bản quyền quốc tế khác như Công ước Buenos Aires vào năm 1914 và Công ước về bản quyền toàn cầu năm 1952.