Chương trình Lab2Market ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội khởi động chiều 21/5 nhằm mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ những sáng chế đến gần với thị trường, doanh nghiệp.

Chương trình Lab2Market hỗ trợ các sáng chế với các vườn ươm, nhà đầu tư, nâng cao khả năng nhận diện thị trường. Các sáng chế được ưu tiên đầu tư trong chương trình sẽ bao gồm chăm sóc sức khỏe, công nghệ dữ liệu, công nghệ vật liệu mới, năng lượng. Các sáng chế ở lĩnh vực khác vẫn có cơ hội nhận đầu tư nếu chứng minh được tính khả thi.

Sáng chế là tài sản trí tuệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu sáng chế, các trường đại học nổi tiếng đã đầu tư nguồn nhân lực và tài lực vào các hoạt động nghiên cứu. 4 đơn vị hỗ trợ dự án bao gồm BK Holdings, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) ký kết hợp tác để đưa sáng chế ra thị trường trong nước và quốc tế.

Bốn đơn vị BK Holdings, BK Fund, NSSC, Swiss EP đã cùng nhau ký kết hợp tác để đưa sáng chế ra thị trường trong nước và quốc tế

Chương trình này dành cho các nhà khoa học trong trường đại học với nghiên cứu đã có sản phẩm mẫu ưu tiên và bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 7 tới. Trong nhóm nghiên cứu cần có ít nhất một nhà nghiên cứu làm việc toàn thời gian.

Giải thưởng khổng lồ

Các nhà sáng chế sẽ có cơ hội nhận được sự đầu tư từ BK Fund, Javis Venture và 5 nhà đầu tư thiên thần trị giá từ 20 nghìn-50 nghìn USD.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết rằng chương trình Lab2Market là bước đi tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ hợp tác với nhóm nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra con đường phát triển cho các kết quả sáng chế, tạo ra các sản phẩm Việt lên tới triệu đô có tính ứng dụng vào thực tế.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát biểu tại sự kiện. Nguồn: NX

“Việc thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám”, ông Quất nói.

Lộ trình ươm tạo sẽ diễn ra trong 3 tháng tương ứng với 3 giai đoạn bao gồm tối ưu hóa sản phẩm, tối ưu mô hình kinh doanh, gọi vốn và 6 chủ đề chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và thương mại hóa trong từng giai đoạn.

Các nhóm nghiên cứu được đồng hành bởi cố vấn là chuyên gia, doanh nhân và nhà đầu tư trong nước, quốc tế, cùng giải quyết vấn đề về nhận diện thị trường, mô hình kinh doanh, khả năng cạnh tranh, hoàn thiện hồ sơ gọi vốn và tiếp cận nhà đầu tư. Ngoài giải thưởng khổng lồ lên đến 50 nghìn USD, các nhóm nghiên cứu sẽ có cơ hội kết nối với các vườn ươm trong nước (Hà Nội, TP HCM) và quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc).