Vào năm 2020, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho logo “Eagle” nộp bởi công ty ASAHI Golf cho các hàng hóa thuộc Nhóm 9, 25 và 28. Sau đó, hãng thời trang cao cấp Armani đã đệ đơn phản đối chống lại nhãn hiệu đại bàng này. Lập luận của Armani là nhãn hiệu này phải bị hủy bỏ do nó có điểm giống hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với biểu tượng đại bàng của Armani khi được sử dụng trên hàng hóa thuộc Nhóm 25.

Nhãn hiệu Eagle của công ty ASAHI Golf. Nguồn: iplaw.jp

Armani tiết lộ số liệu bán hàng trong bản tóm tắt của đơn phản đối nhãn hiệu và cáo buộc rằng các hoạt động kinh doanh của họ ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ nhãn hiệu trên.

Hiện tại, Armani đang vận hành 64 cửa hàng tại Nhật Bản. Nhãn hiệu Eagle của Armani đã được sử dụng trên các mặt hàng thời trang khác nhau cùng với “Giorgio Armani”, “Armani Jeans”, “Armani Junior”, “Emporio Armani” và “EA7 Emporio Armani.” Doanh số bán hàng hàng năm của Armani vượt quá 40 tỷ JPY trên toàn thế giới, 8 tỷ JPY trên thị trường Nhật Bản. Armani chi hơn 20 tỷ JPY cho quảng cáo mỗi năm trên toàn thế giới. Khoảng 60 triệu hàng hóa đã được giao để bán mỗi năm.

Nhãn hiệu Eagle của Armani. Nguồn: iplaw.jp

Tuy nhiên, JPO cho rằng bằng chứng mà Armani gửi là không đủ để hỗ trợ giả định về một nhãn hiệu nổi tiếng. Đồng thời, JPO nhận thấy rằng Armani cũng đưa ra các bằng chứng không đủ thuyết phục để chứng minh những cáo buộc này.

Ý kiến chuyên gia

Theo Masaki Mikami, nhà sáng lập và luật sư tại Công ty Luật Marks IP ở Osaka, có những yếu tố cần được xem xét để đánh giá khả năng nhầm lẫn của nhãn hiệu theo Điều 4 (1) (xv) của Luật Nhãn hiệu Nhật Bản, bao gồm:

  • Độ nổi tiếng của nhãn hiệu;
  • Tính nguyên bản/tính mới của nhãn hiệu;
  • Sự tương tự giữa các nhãn hiệu;
  • Sự tương tự của hàng hóa/dịch vụ;
  • Hoàn cảnh thương mại trên thực tế.

Theo ông Masaki: “Tôi tin rằng biểu tượng đại bàng Armani đã trở nên đủ nổi tiếng đối với người tiêu dùng Nhật Bản. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thì chỉ lời cáo buộc đơn thuần là không đủ để giải quyết vấn đề. Armani lẽ ra phải cung cấp đầy đủ bằng chứng cho JPO trong trường hợp này. Tôi nghĩ đây là một bài học quan trọng đối với các chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng, những người luôn mong muốn được có được sự bảo hộ trên phạm vị lớn hơn cho thương hiệu của mình tại Nhật Bản.”

Ông cho biết thêm: “Vì Armani có nghĩa vụ chứng minh rằng biểu tượng đại bàng của họ đã đạt được danh tiếng và độ nổi tiếng nhất định đối với người tiêu dùng Nhật Bản có liên quan, nên Armani đã đưa ra bằng chứng về các hoạt động kinh doanh của họ tại Nhật Bản từ năm 1987 cũng như các hồ sơ bán hàng gần đây.”

Để tránh tình trạng vướng mắc khi không đủ bằng chứng phản đối nhãn hiệu và gia tăng tỷ lệ phản đối thành công, ông Masaki có một số lời khuyên dành cho các chủ sở hữu thương hiệu: “Họ nên có thói quen thu thập và bảo quản các tài liệu làm bằng chứng, ví dụ như: báo, tạp chí, quảng cáo, hình ảnh hàng hóa,… liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu ở Nhật Bản.”

-Huntress-