Vừa qua, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”. Hội thảo nhằm đưa ra nhiều thông tin thực tiễn hữu ích để các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đai học Luật TP.HCM cho rằng trải qua hơn 15 năm thực thi, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã bộc lộ một số bất cập, nhất là khi Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả. Hội thảo này sẽ sẽ bàn về những bất cập và tìm giải pháp tháo gỡ.

Việc sử dụng hợp lý tác phẩm hay sử dụng tự do tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học là một nội dung cần phải được quy định rõ trong pháp luật về SHTT và cần phải được chuyển tải chính xác, cụ thể thành các quy chế quản lý về tài sản trí tuệ tại các trường.

Tại hội thảo, PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng khoa Luật, Đại hoc Sài Gòn nêu thực trạng môi trường cơ sở đào tạo giáo dục là nơi truyền tải những tri thức cho nên không thể không truyền tải sử dụng tác phẩm của người khác. Từ đó sẽ xảy ra những xung đột khi lấy ý tưởng của người khác làm của mình. Trong đó có trường hợp tinh vi không thể phát hiện bằng những công cụ kỹ thuật như rà soát tỉ lệ trùng lặp giữa các tác phẩm…

Ranh giới giữa hành vi được phép sao chép, trích dẫn tác phẩm với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy cần phải được làm rõ để cho người học, người nghiên cứu, người giảng dạy thực hiện đúng.

Trong khi pháp luật hiện hành vẫn còn những “khoảng trống”, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện là cần thiết nhưng không thể diễn ra trong một thời gian ngắn, việc các trường chủ động xây dựng những bộ quy chế riêng là rất cần thiết, đồng thời cụ thể hóa các quy định của pháp luật hiện hành.

Cần bổ sung quy định tỷ lệ sao chép tác phẩm

Cũng tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Sương, phó trưởng phòng pháp lý công ty luật cho rằng môi trường giáo dục đại học luôn sản sinh ra nhiều sản phẩm trí tuệ giá trị và cũng là nơi tạo điều kiện cho những chủ thể cần tiếp cận đến nguồn sản phẩm trí tuệ. Do vậy, nếu không thực hiện tốt, đây có thể sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho những hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, xâm phạm quyền sao chép, trích dẫn nói riêng.

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Cần bổ sung quy định tỷ lệ sao chép tác phẩm

Thạc sỹ Bùi Thu Hằng, Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết để nâng cao hiệu quả thực thi quyền tác giả trong các hoạt động khác nói chung và hoạt động dịch vụ thư viện nói riêng, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn về thực thi quyền tác giả cần xem xét, bổ sung thêm quy định cụ thể về sao chép tài liệu với tỷ lệ hợp lý như các nước khác trên thế giới đối với người sử dụng có mục đích học tập. Từ đó, các thư viện ở Việt Nam có thể xây dựng các chính sách dịch vụ thư viện phù hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật về quyền tác giả.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào việc cân bằng, hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và các bên khai thác sử dụng cũng như công chúng. Mục đích vừa bảo vệ quyền tác giả để khuyến khích các tác giả, các chủ sở hữu quyền tác giả trong việc đầu tư, nghiên cứu sáng tạo; vừa giúp công chúng, các nhà nghiên cứu, học sinh-sinh viên… có thể tiếp cận được các tác phẩm một cách hợp lý, đúng pháp luật, để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo.

Cục Bản quyền tác giả tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội. Về vấn đề quy định tỷ lệ sao chép, trích dẫn vào dự thảo Luật, bà Kim Oanh cho biết ban soạn thảo đang nghiên cứu, tính toán một tỷ lệ hợp lý để đảm bảo việc bảo vệ lợi ích của tác giả, tạo thuận lợi trong việc khai thác tác phẩm.