A.A. Milne, tác giả đã tạo ra chú gấu Pooh vào năm 1926, có thể sẽ không thích chú gấu Pooh trong bộ phim kinh dị “Winnie-the-Pooh: Blood and Honey”. Vào tháng 1 năm 2022, chú gấu “Winnie-the-Pooh” đã không còn được bảo hộ bản quyền tại Hoa Kỳ và chú gấu này đã được đưa vào phạm vi công cộng.

Một kỷ nguyên mới về bản quyền hiện đang bắt đầu, khi thời hạn bản quyền của các tác phẩm và nhân vật được tạo ra vào cuối những năm 1920 đang bắt đầu hết hạn và phạm vi công cộng bắt đầu nhận được không chỉ các tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc âm nhạc mà còn có cả các video. Trong số đó, có rất nhiều tài sản SHTT nổi tiếng của Hollywood (một số vẫn còn cực kỳ có giá trị) đang ngày càng được săn đón.

Hàng loạt tài sản trí tuệ của Hollywood đang gia nhập phạm vi công cộng.

“Steamboat Willie”, bộ phim đầu tiên có sự xuất hiện của chú chuột Mickey, nhân vật quan trọng trong hoạt động kinh doanh hàng hóa của Disney mang lại hơn 5 tỷ đô la mỗi năm, sắp sửa gia nhập vào phạm vi công cộng. Sau đó, hàng loạt các bộ phim của Disney bao gồm “Snow White”, “Bambi” và “Fantasia” cũng sẽ hết thời hạn bản quyền. Một số siêu anh hùng cũng sẽ phải chịu tình cảnh tương tự, đơn cử như người Dơi, cho dù bộ phim “The Batman” mới nhất đã thu về hơn 770 triệu USD tại phòng vé và đang được lên kế hoạch khởi quay phần hai.

Khi ngày càng có nhiều tài sản SHTT có giá trị gia nhập phạm vi công cộng, các hãng phim đang cố gắng củng cố các biện pháp bảo hộ các tài sản quan trọng của họ. Khi thời hạn bản quyền đang ngày càng đến gần, Hollywood đang chuẩn bị một số biện pháp bảo vệ khác. Các luật sư của các hãng phim như Disney đã sẵn sàng để chứng minh rằng các nhân vật như chuột Mickey không chỉ là tác phẩm văn học mà còn là một biểu tượng. Nhãn hiệu và biểu tượng là các đối tượng liên quan đến luật nhãn hiệu, tồn tại để giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm có nguồn gốc từ một công ty nhất định. Và trong khi bản quyền hết hạn, nhãn hiệu vẫn có thể tồn tại mãi mãi.