Thông thường, khi nghe tư vấn của các công ty luật Sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức hành nghề liên quan đến luật pháp, ta thường nghe thấy cụm từ ‘giấy ủy quyền’. Theo các lời tư vấn đó, khách hàng chỉ cần kí giấy ủy quyền cho công ty là sẽ không phải thực hiện bất cứ thủ tục nào mà chỉ cần đưa ra các quyết định quan trọng và nhận văn bằng bảo hộ. Vậy, giấy ủy quyền có công dụng gì?

Ai cũng có công việc và lĩnh vực chuyên môn riêng. Theo đó, một vị tổng thống có thể phục vụ bàn nhưng chắc chắn rằng ông ấy/bà ấy sẽ không giỏi việc đó như một sinh viên năng động mới ra trường.

Ngược lại, chàng/cô sinh viên đó khi mà không có kĩ năng cũng như kinh nghiệm chắc chắn sẽ không thể thay thế vị tổng thống đó điều hành đất nước.

Qua đó, mỗi cá nhân đều sẽ có một công việc, kĩ năng chuyên môn mà họ am hiểu và sẽ khó, thậm chí là không thể thay thế các cá nhân khác thực hiện công việc của họ, đặc biệt là với các công việc liên quan đến thủ tục pháp lý vốn về bản chất cũng không khác gì việc điều hành đất nước của tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng,…

Hiểu được điều này, thế giới đã đưa ra một khái niệm cho phép các bên có thể giúp đỡ nhau thông qua một bản hợp đồng chính thức – Giấy ủy quyền (Authorization letter).

Ủy quyền

Theo quy định pháp luật, ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Giấy ủy quyền có công dụng gì?

Pháp luật Việt Nam quy định hình thức ủy quyền bằng văn bản chính thức (giấy ủy quyền) nhưng cũng không quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác.

Qua đó, công dụng của giấy ủy quyền chính là một sự xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia một cách chính thức bằng văn bản, được sự công nhận và bảo hộ của luật pháp.

Thời hạn của giấy ủy quyền

Do bản chất của giấy ủy quyền là bên được ủy quyền thực hiện công việc thay cho bên ủy quyền cho đến khi công việc được hoàn thành nên giấy ủy quyền thông thường sẽ không có quy định thời hạn cụ thể.

Thay vào đó, thời hạn ủy quyền sẽ do các bên tự thỏa thuận và thông thường sẽ bao gồm điều khoản “cho đến khi công việc được ủy quyền được hoàn thành bởi bên được ủy quyền”.

Tuy nhiên, theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2015, nếu không có thỏa thuận nào về thời hạn và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Nghĩa vụ tuân thủ của giấy ủy quyền

Như mọi hợp đồng dân sự khác, các bên tham gia hợp đồng ủy quyền cần phải nỗ lực theo hết khả năng của mình để hoàn thành các nghĩa vụ được ghi trong giấy ủy quyền.

Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, bên tự ý chấm dứt hợp đồng cần phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại.