Collagen là một trong những hợp chất quan trọng nhất đối với kết cấu thân thể con người. Tuy nhiên, nguồn Collagen hiện nay trên thị trường hầu hết đều được tổng hợp từ các loại động vật có vú và từ đó vẫn có nhiều yếu tố phức tạp khiến chúng không thể được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới. Nhận thức được tình trạng này, TS. Nguyễn Thúy Chinh và các cộng sự tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tách chiết và thu được collagen sạch, an toàn làm nguồn vật liệu đầu giúp cầm máu vết thương, tái tạo mô và bào chế thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Collagen

Collagen chứa khoảng 1⁄3 lượng protein, được xem là hợp chất chứa nhiều protein nhất trong cơ thể. Nó có chức năng xây dựng các khối cơ quan xương, da, cơ, gân và dây chằng. Các bộ khác như mạch máu, giác mạc và răng cũng có collagen.

Có thể hình dung đơn giản collagen giống như một loại keo dán, giữ cho tất cả các mô tế bào dính chặt vào nhau. Trong tiếng Hy Lạp, collagen được gọi là kólla, nghĩa là keo dán.

Khi tuổi tác càng cao thì lượng collagen được sản xuất càng ít và chất lượng cũng giảm đi. Trong đó, những dấu hiệu dễ dàng nhận biết việc thiếu collagen trong cơ thể là làn da kém săn chắc và nhăn nheo hơn, sụn cũng bị yếu đi theo thời gian.

Chính vì vậy mà người dân, đặc biệt là thế hệ già cần phải bổ sung collagen trong cơ thể thường xuyên thông qua các thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, các nguồn collagen hiện nay trong xã hội vẫn còn tồn đọng nhiều bất cập, khiến người dân khó tiếp cận vì đủ loại lí do.

Chính vì vậy mà nhu cầu sáng chế ra các phương pháp tách chiết và thu thập collagen mới trên thế giới vẫn đang luôn được tìm kiếm gắt gao.

Tạo nên collagen từ vảy cá trong phòng thí nghiệm

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm collagen phổ biến trên thị trường đều có nguồn gốc từ động vật có vú như lợn, bò và cừu.

Như ta đã biết, một số quốc gia trên thế giới có quan điểm tôn giáo khá nghiêm ngặt về việc hấp thu hay chỉ là sử dụng các loại sản phẩm có nguồn gốc từ một số loài động vật cụ thể, điển hình như Ấn Độ kiêng ăn thịt bò, lợn.

Ngoài ra, các lo ngại về nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm từ động vật có vú cũng khiến quy trình kiểm tra xử lý phức tạp, nghiêm ngặt. Do đó, số lượng sản phẩm collagen được tuôn ra thị trường trở nên đặc biệt ít ỏi và kéo giá thành lên đặc biệt cao, khiến đa số người dân không thể tiếp cận được.

Qua đó, để giải quyết tình trạng này, TS. Nguyễn Thúy Chinh và các cộng sự đã tìm kiếm giải pháp tách chiết và thu Collagen từ một nguồn nguyên liệu không ai ngờ đến – vảy cá nước ngọt.

“Vảy cá có nguồn collagen tương đối dồi dào và giải quyết được hầu hết các vấn đề của collagen từ động vật có vú gặp phải” – TS. Nguyễn Thúy Chinh cho biết.

Trong quá trình sơ chế, vảy cá vốn được xem là phế phẩm của các khu chợ dân sinh hay nhà máy chế biến bởi lẽ con người khó có thể hấp thu loại nguyên liệu này.

Tuy nhiên, vảy cá, thứ được coi là vô giá trị ở Việt Nam nay lại trở thành nguyên liệu quan trọng nhất để chế biến collagen – hợp chất thiết yếu đối với con người.

Với sản lượng cá rô phi hằng năm ở Việt Nam khoảng 50 ngàn tấn (chiếm 2,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi) và hàng trăm nghìn tấn cá chép các loài thì nghiên cứu này vừa tận dụng phế phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường vừa thu được nguồn collagen có chất lượng tốt phục vụ cho lĩnh vực y sinh.

Tạo nên collagen từ vảy cá trong phòng thí nghiệm

“Với công nghệ nguồn vật liệu trong nước, chúng tôi tin rằng, sợi collagen tự nhiên từ vảy cá có thể kết hợp với các hoạt chất ginsenoside Rb1, polyphenol trà hoa vàng để ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương” – TS. Nguyễn Thúy Chinh chia sẻ.

Từ collagen dạng gel thu được, nhóm nghiên cứu tiến hành phối trộn với hoạt chất ginsenoside Rb1 – một hợp chất hóa học thuộc họ ginsenoside được tìm thấy trong chi thực vật Panax, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và polyphenol từ trà hoa vàng rồi đưa vào xilanh của thiết bị in 3D để in thành màng sản phẩm có thể dán lên vết thương.

Phương pháp tách chiết collagen từ vảy cá nước ngọt Việt Nam, của TS. Nguyễn Thúy Chinh và các cộng sự tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002775 được công bố vào ngày 25/01/2022.

(Theo Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển)