Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam mới đây đã ban hành Quyết định số 5371/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00124 “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Khu vực địa lý của chỉ dẫn địa lý số 00124 “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý gồm các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thới thuộc huyện Bình Đại; xã Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ngoài các loại trái cây nổi tiếng như dừa, bưởi da xanh,… Bến Tre từ lâu đã nổi tiếng cho loại xoài tứ quý được trồng chủ yếu giồng cát ven biển của các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Tuy không chính thức nhưng theo dân gian kể lại, nguồn gốc của loại xoài này ở tỉnh Bến Tre bắt nguồn từ năm 1982 khi một người nông dân ở huyện Chợ Lách lai tạo thành công giống xoài đặc biệt này.

Sau đó, giống xoài này được mở rộng phát triển ở các địa phương khác, bao gồm các địa phương tại tỉnh Bến Tre và các khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long. Xoài trồng ra được mang đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. 

Đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý

Đặc trưng xoài tứ quý

Xoài tứ quý tỉnh Bến Tre có những đặc thù khác biệt so với xoài tứ quý trồng ở các vùng khác. Trái xoài tứ quý xanh có thịt trái giòn, ít xơ, vị ngọt chua, xen lẫn vị mặn nhẹ và mùi thơm nhẹ. Khi chín, thịt trái xoài tứ quý Bến Tre chắc (độ chắc ở mức 20,2 – 21,1 N), ít xơ, có vị ngọt đậm và mặn nhẹ. Ngoài ra, trái xoài tứ quý “Bến Tre” chín còn có mùi thơm mạnh, hơi hắc và hàm lượng Sodium (Na) ở mức 1,58 – 2,02 %.

Để sản xuất ra giống xoài tứ quý đặc thù như vậy, điều kiện địa lý tự nhiên của tỉnh Bến Tre đóng vai trò thiết yếu. Khu vực trồng xoài tứ quý ở tỉnh bến tre có địa hình cao hơn so với vùng đất phù sa xung quanh, ít bị úng ngập.

Nhóm đất chủ yếu tại khu vực địa lý là nhóm đất cát có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng cát 60-70%, màu đất vàng sáng đến vàng sẫm, khả năng cung cấp nước cho cây xoài thấp. Điều này làm cho hàm lượng H2O trong quả xoài tứ quý Bến Tre thấp, thịt quả trở nên giòn khi xanh và chắc khi chín. Đất giồng cát ven biển bị nhiễm mặn (hàm lượng muối tan từ 0,009 – 0,022%) nên hàm lượng Sodium (Na) xuất hiện trong quả, vì vậy, thịt quả có vị mặn nhẹ.

 (Cục Sở hữu trí tuệ)