Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn thế giới. Giờ đây, việc ra ngoài mua đồ ăn cũng đã trở thành một vấn đề khó khăn. Dịch bệnh ngăn cản mọi người đi chợ, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, siêu thị,… Giờ đây việc tận tay cảm nhận, sờ, chạm vào hàng hóa đã trở nên khó khăn hơn. Nay họ phải mua sắm nhu yếu phẩm qua các cửa hàng trực tuyến. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các hoạt động thanh toán trực tuyến và dịch vụ vận chuyển. Do đó, “nhãn hiệu âm thanh” ngày càng được biết đến nhiều hơn trong xã hội. Trên thực tế, trong tương lai nhãn hiệu âm thanh có thể có vai trò quan trọng hơn nhiều so với các nhãn hiệu thông thường. 

Vụ Tencent nộp đơn đăng kí nhãn hiệu âm thanh 

Tencent là một công ty cổ phần đầu tư Trung Quốc chuyên về các dịch vụ truyền thông, giải trí, Internet, điện thoại di động và quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc.  

Năm 2014, Tencent đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho âm thanh “Di Di Di Di Di Di”. Đó là tiếng chuông thông báo khi tin nhắn đến của phần mềm mạng xã hội QQ. Văn phòng Nhãn hiệu Trung Quốc (CTMO) nhận thấy rằng âm thanh này không có tính khác biệt rõ rệt. Do vậy, họ đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu của Tencent.  

Khi xem xét lại quyết định được đưa ra vào ngày 18 tháng 4 năm 2016, Ban Giải quyết Tranh chấp Nhãn hiệu của Trung Quốc (TRAB) đã tán thành quyết định từ chối của CTMO. Họ ủng hộ quyết định này dựa trên cơ sở rằng âm thanh “Di Di Di Di Di Di” quá đơn giản. Nó thiếu chức năng và yếu tố để tạo nên sự khác biệt rõ rệt. 

Đưa vụ kiện lên Tòa án SHTT Bắc Kinh 

Tencent sau đó đã kháng cáo lên Tòa án SHTT Bắc Kinh nhằm tìm cách lật ngược quyết định của TRAB. Trong một phán quyết được đưa ra vào ngày 27 tháng 4 năm 2018, Tòa án SHTT cho rằng nhãn hiệu âm thanh được đề cập đã có được sự khác biệt rõ rệt. Do đó nó nên có được sự đăng ký nhãn hiệu cần thiết.  

Phán quyết cuối cùng có lợi cho Tencent được đưa ra bởi Tòa án cấp cao Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 9 năm 2018. Phán quyết này đánh dấu nhãn hiệu âm thanh đầu tiên được đăng ký ở Trung Quốc.  

Sau quyết định của Tòa án Tối cao Bắc Kinh, đơn đăng ký cho nhãn hiệu âm thanh của Tencent đã được cấp phép vào năm 2019. Đến ngày nay, vụ kiện Tencent vẫn còn nhiều ảnh hưởng lên xã hội. Bởi vì hầu hết công chúng Trung Quốc không biết rằng âm thanh có thể được đăng ký như một nhãn hiệu; ít nhất là trước vụ kiện của Tencent. 

Nở rộ phong trào đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm âm thanh 

Vụ kiện Tencent đã khiến rất nhiều công ty, tập đoàn nối bước nhau nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên, rất ít đơn đăng ký có thể lọt vào danh sách “nhãn hiệu có thể đăng ký”. Nguyên nhân là do bản sửa đổi Luật nhãn hiệu của Trung Quốc vào năm 2013. 

Phong trào đăng ký nhãn hiệu cho âm thanh tăng mạnh. Ảnh: powersmusic

Tỷ lệ thành công của các đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh nộp lên Văn phòng nhãn hiệu Trung Quốc (“CTMO”) là rất thấp. Do tiêu chuẩn để đăng ký nhãn hiệu âm thanh được thiết lập tương đối cao.  

Sau khi Luật Nhãn hiệu sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, CTMO bắt đầu tiếp nhận và kiểm tra khoảng 749 đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ. Đến ngày 1 tháng 5 năm 2020, chỉ có 27 đơn trong số đó được cấp phép. 

Tiêu chí đăng ký nhãn hiệu âm thanh 

Hầu hết các khu vực pháp lý lớn trên thế giới đều cho phép đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu đều cho phép việc đăng ký các nhãn hiệu “phi truyền thống”. 

“Để có thể được đăng ký làm nhãn hiệu, âm thanh (bất kể là âm nhạc hoặc âm thanh không phải nhạc; hoặc cả hai) đều không nằm trong các danh mục bị cấm. Đồng thời âm thanh đó phải có tiêu chí khác biệt rõ rệt. Nó phải có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một tổ chức này so với một tổ chức khác.” Phỏng theo Yingying Zhu, Công ty Luật Mingdun cho biết. 

Nghiên cứu và phát triển nhãn hiệu âm thanh 

Yingying Zhu cho biết thêm rằng: Trong một nền kinh tế năng động như Trung Quốc, thương hiệu âm thanh và tiếp thị bằng âm thanh ngày càng có vai trò quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp. 

Bà nói: “Để khiến cho thương hiệu của mình nổi bật giữa xã hội đầy cạnh tranh, các chủ sở hữu thương hiệu phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Không chỉ khiến cho sản phẩm và dịch vụ có khả năng được phân biệt qua vẻ ngoài, nó còn cần phải được nghe thấy bởi người tiêu dùng”. 

Tương lai của nhãn hiệu âm thanh 

Trên thế giới hiện nay đã có không ít quốc gia “luật hóa” nội dung về đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh được nộp vẫn còn ít. Theo đó, số lượng nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ còn ít hơn nữa. Điều này bởi âm thanh không phải là một sản phẩm có thể “nhìn thấy được”. Do đó các cơ quan luật SHTT rất khó xác định liệu sản phẩm âm thanh này có yếu tố phân biệt đặc trưng hay không.  

Nhưng tất cả điều này có thể bị thay đổi trong kỷ nguyên Covid-19. Trong đại dịch này, việc tiếp xúc với người khác đã trở nên đặc biệt khó khăn. Từ đó việc giao tiếp giữa người với người hầu hết được thực hiện qua các kênh mạng xã hội. Việc này khiến tầm quan trọng của âm thanh được chú trọng nhiều hơn. Trong tương lai, nhãn hiệu âm thanh “phi truyền thống” sẽ trở thành chủ đề chính của các vấn đề xoay quanh luật sở hữu trí tuệ. 

-Monster Hunter-