Sở hữu trí tuệ (IP) từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Từ cuối những năm 1970, vấn nạn hàng giả từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế đã khiến các quan chức Mỹ nhiều lần nhắm tới quốc gia này. Sau khi phải chịu đựng các lệnh trừng phạt và trải qua nhiều cuộc cải cách pháp lý để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, chính phủ Trung Quốc vẫn đang bị chỉ trích vì việc thực thi yếu kém quyền SHTT, ép buộc chuyển giao công nghệ và hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Giờ đây, với khả năng sản xuất tài sản SHTT nội địa đang ngày càng được nâng cao, Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của quan hệ kinh tế Mỹ – Trung.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và vấn đề sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Năm 2021, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới trong năm thứ ba liên tiếp về việc nộp đơn đăng ký sáng chế. Các công ty Trung Quốc đã nộp khoảng 75% số lượng đơn đăng ký sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu trong thập kỷ qua và 40% số lượng các bằng sáng chế 6G, trong khi Hoa Kỳ chỉ sở hữu 35% số lượng bằng sáng chế liên quan đến công nghệ này. Khả năng của Trung Quốc trong việc sản xuất tài sản SHTT thông qua một số công nghệ then chốt và mới đã được coi là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực sáng tạo.

Trong khi đó, sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế của Trung Quốc chỉ ra khả năng đổi mới đáng kinh ngạc của quốc gia này, không thể tập trung đánh giá sự cải thiện này qua số lượng hồ sơ đăng ký quyền SHTT. Việc Trung Quốc sản xuất nhiều tài sản SHTT hơn không tự động biến thành một lợi thế chiến lược trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Thay vào đó, tài sản SHTT chất lượng cao đã đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự xuất hiện của các chuỗi giá trị toàn cầu, cung cấp sự độc quyền đối với các quy trình cấp phép, thương hiệu và công nghệ cần thiết cho sản xuất.

Chuỗi giá trị sẽ có các thứ bậc. Ở bậc cao, chủ sở hữu của tài sản sở hữu trí tuệ chất lượng cao sẽ quyết định các điều khoản và thu về một tỷ lệ lợi nhuận lớn hơn từ các hoạt động kinh tế diễn ra ở mức thấp hơn trong chuỗi giá trị nơi mà tài sản sở hữu trí tuệ được mua bán và sử dụng trong quá trình lắp ráp. ‘Tăng trưởng’ chuỗi giá trị cho phép các doanh nghiệp nắm bắt được tỷ trọng giá trị gia tăng cao hơn, mang lại cho các quốc gia lợi thế chiến lược trong việc điều chỉnh các điều khoản thương mại quốc tế.

Sở hữu trí tuệ đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cường quốc kinh tế. Việc Hoa Kỳ gần như độc quyền đối với quyền sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ chất lượng cao đã cho phép các công ty của họ đạt được một phần giá trị gia tăng vượt mức so với toàn cầu. Các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc sản xuất, điều chỉnh và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ có thể được coi là nỗ lực tìm cách bảo vệ quyền lực của mình trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã kiên quyết theo đuổi con đường đổi mới riêng một cách bền bỉ để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và tránh bẫy thu nhập trung bình bằng cách nâng cao chuỗi giá trị. Nhưng bất kể mục đích của Bắc Kinh là gì, điều này vẫn đe dọa đến sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ bởi quyền sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ lớn hơn đã được trao cho Trung Quốc.

Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng tài sản sở hữu trí tuệ vẫn hơn so với số lượng, nhưng Trung Quốc đã không thành công trong việc thu hút giá trị gia tăng. Doanh thu từ tài sản SHTT của Trung Quốc là 8,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 vẫn không đáng kể so với con số khổng lồ 113,8 tỷ đô la Mỹ của Hoa Kỳ. Điều này có thể do tài sản SHTT của Trung Quốc thường hướng tới sự đổi mới thích ứng nhiều hơn bởi vì hơn một nửa số đơn đăng ký sáng chế trong nước của Trung Quốc là bằng sáng chế tiện ích. Chúng có các yêu cầu về tính đủ điều kiện, thời gian bảo vệ và tỷ lệ duy trì thấp hơn, cho thấy chất lượng tài sản SHTT thấp hơn.

Hơn nữa, vào năm 2020, chỉ 8% bằng sáng chế của Trung Quốc được cấp ở nước ngoài, con số này với Hoa Kỳ lại lên đến 29%. Bằng sáng chế quốc tế điều kiện quan trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một quốc gia trên các chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ 10% bằng sáng chế đáp ứng tiêu chuẩn vàng toàn cầu với ba khu vực (những bằng sáng chế được đăng ký với các cơ quan cấp bằng sáng chế của EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ để bảo vệ cùng một sáng chế) được nộp bởi Trung Quốc vào năm 2019, con số này đối với Hoa Kỳ là 22%. Ngay cả các công ty Trung Quốc được công nhận trên toàn cầu như Huawei, cho dù đã phát triển thành công danh mục đầu tư SHTT rộng khắp trong các lĩnh vực mới xuất hiện như 5G, cũng không có được lợi thế trong môi trường doanh nghiệp khi thiếu tài sản SHTT chất lượng cao.

Con đường phát triển của Trung Quốc khác hẳn so với các cường quốc khác, do các quốc gia đó có đòn bẩy lịch sử cân xứng hơn giữa khu vực công và tư nhân để phát triển sở hữu trí tuệ. Mặc dù khu vực tư nhân đóng góp lớn nhất trong việc nghiên cứu và phát triển(R&D) ở Trung Quốc, nhưng con số thống kê này khá phức tạp bởi thực tế các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế hơn trong bối cảnh doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng chi tiêu cho R&D vào năm 2020.

Quỹ chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với Hoa Kỳ từ năm 2000. Song tổng năng suất giảm sút đã phản ánh mức đầu tư cao của nhà nước vào các doanh nghiệp kém hiệu quả. Điều này đã làm gia tăng nợ và hạn chế lợi nhuận từ các khoản đầu tư, với cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc để xác định các công nghệ quan trọng thì đây sẽ là một canh bạc nhiều rủi ro của quốc gia này.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những tuyên bố của chính phủ khi chào mừng cải cách thị trường và đổi mới dường như mâu thuẫn với việc phản bác lại hoạt động nới lỏng kiểm soát thị trường trước đó theo hướng chỉ đạo của nhà nước nhiều hơn. Các cuộc “đàn áp” đối với các gã khổng lồ Internet của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và gây ra một hiệu ứng tiêu cực đối với khả năng thu hút nhân tài của các công ty này.

Trong khi đó, các công ty hàng đầu về công nghệ ‘cốt lõi’ do nhà nước nắm giữ như là chất bán dẫn, viễn thông và máy tính lượng tử không bị ảnh hưởng. Các công ty có ưu thế như Huawei và ZTE có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh và khả năng tự cung tự cấp của quốc gia, mặc dù nhiều công ty đang hoạt động kém hiệu quả và nợ nần chồng chất.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, những nỗ lực đáng kể của Bắc Kinh trong việc mở rộng quyền sở hữu tài sản SHTT đã cho thấy rằng Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại với Washington. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại những yếu điểm của phương pháp này bởi chất lượng chưa cao của tài sản sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và sự suy giảm năng suất tiềm ẩn.

Cho đến khi Trung Quốc có thể giải quyết được những hạn chế trong các chính sách đổi mới từ trên xuống thì Hoa Kỳ có thể vẫn sẽ duy trì vị thế thống trị của mình đối với tài sản SHTT chất lượng cao trong tương lai bởi những chính sách công nghiệp mới ra đời của cường quốc này.