Mặc dù là bài hát có lượt view cao nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, Baby Shark lại vướng vào vấn đề liên quan đến bản quyền. Thật khó để xác định tác giả thật sự của bài hát đình đám này.

“Thánh ca thiếu nhi”

Được ra mắt từ năm 2016, nhưng đến năm 2019 ca khúc Baby Shark mới thực sự nổi tiếng và lan rộng trên khắp thế giới. Bài hát này thực sự trở thành nỗi ám ảnh của các mẹ bỉm sữa và cả team-qua-đường khi bị nghe thụ động đến thuộc cả lời và giai điệu. Mặc dù vậy, bài hát vẫn rất được yêu thích và lượt view vẫn tiếp tục tăng hàng ngày.

Baby Shark là ca khúc có số lượng view lớn nhất thế giới trên YouTube

Tính đến thời điểm hiện tại, Baby Shark là ca khúc thiếu nhi có lượt view trên YouTube cao nhất thế giới với 7,6 tỷ view. Bài hát đã vượt qua cả đối thủ nặng ký là Despacito để trở thành “thánh ca thiếu nhi”.

Giai điệu của bài hát luôn quanh quẩn trong đầu mọi người từ gây nghiện thích thú đến ám ảnh. Rõ ràng Baby Shark là một hiện tượng âm nhạc của thế giới. Mặc dù đạt được nhiều thành tích đáng nể, nhưng Baby Shark cũng vướng vào tranh chấp liên quan đến vấn đề bản quyền của bài hát.

Pinkfong không nắm giữ bản quyền bài hát

Video gốc đạt hơn 7,6 tỷ view của Baby Shark được công ty Pinkfong sản xuất và đăng tải trên YouTube. Được biết, Pinkfong là một hãng ca nhạc đến từ Hàn Quốc và thuộc một công ty con của Samsung Publishing. Pinkfong chủ yếu sản xuất những video có màu sắc tươi sáng, thu hút hàng triệu lượt xem từ trẻ em trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì Baby Shark có lẽ không phải của Pinkfong. Bài hát  bắt nguồn từ kênh YouTube của một phụ nữ có tên Alexandra Muller. Cô ấy đã đăng tải một video có tên Kleiner Hai với nội dung là vài câu hát tiếng Pháp cùng với động tác mô phỏng hàm cá mập. Video của Alexandra Muller bắt đầu lan rộng trong nước Đức sau khi một DJ đã phối lại bài hát theo âm điệu techno.

Bài hát của Kleiner Hai

Tiếp sau đó, một người đàn ông tên Johnny Only đã viết lại ca khúc và biến tấu để phần nhạc hay hơn. Năm 2011, ông đã đăng tải lên kênh YouTube của mình đoạn clip ông và gia đình cùng nhảy và hát bài hát này. Khi đó, bài hát mới có tên Baby Shark Song. Tuy nhiên, bài hát đã không nổi tiếng mà chỉ nhận được vài chục nghìn view lèo tèo.

Baby Shark Song của Johnny Only

Mãi đến khi Pinkfong biến tấu thì Baby Shark mới thực sự trở thành hiện tượng toàn cầu.

Bản quyền âm nhạc thuộc về ai?

Đến nay, câu hỏi “Bản quyền âm nhạc thuộc về ai?” vẫn chưa có câu trả lời. Bởi vì nguồn gốc ca khúc ngay từ đầu đã không thực sự rõ ràng, nên vẫn đề bản quyền vẫn mãi là đề tài mà mọi người tranh cãi.

Ngay khi Baby Shark bắt đầu nổi tại thị trường Hàn Quốc, ca khúc đã vướng vào không ít lùm xùm liên quan đến bản quyền. Cụ thể, năm 2018, một đảng chính trị đã sử dụng ca khúc này để phục vụ tranh cử tại địa phương. Ngay sau đó Pinkfong đã lên tiếng và buộc tội đảng này vì vi phạm bản quyền. Ngay lập tức, đảng này đã lên tiếng phản bác và cáo buộc Pinkfong đã đạo bài Baby Shark Song của ông Johnny Only. Đảng này cũng nói thêm rằng, họ đã xin phép bản quyền từ Johnny Only từ trước.

Sau đó không lâu, ông Johnny Only cũng đệ đơn kiện Pinkfong vì đã đạo nhạc bài hát của ông và đòi bồi thường thiệt hại 5 triệu won. Phía Pinkfong hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này và khẳng định họ đã sáng tác bài hát dựa trên một bài hát thiếu nhi nên không hề vi phạm bản quyền.

Phiên điều trần sẽ diễn ra vào ngày 31/01/2021 tới đây. Vì vậy cho đến nay, vụ kiện tụng vẫn chưa diễn ra, bản quyền âm nhạc thuộc về ai vẫn chưa rõ.

-Namneyu-