Ngày 16/6/2022, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 với 95,58% đại biểu tán thành. Luật số 07/2022/QH15 (“Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022”) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trừ trường hợp quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm. Trong bài viết sau, VLIP sẽ tổng hợp những điểm mới đáng chú ý của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 tại Việt Nam.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về thời gian hiệu lực của quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm.

Theo đó, quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh đã có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2024.

những điểm mới đáng chú ý trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 tại Việt Nam, những điểm mới đáng chú ý trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 , điểm mới đáng chú ý trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi Việt Nam năm 2022,
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 tại Việt Nam

Tất cả các quy định khác trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 được trình bày theo 7 nhóm chính sách lớn dưới đây sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan

Theo nhóm chính sách này, các quy định về quyền tác giả, cụ thể hơn là cá nhân, tổ chức nắm giữ quyền tài sản bao gồm chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn đã được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn. Qua đó, các thủ tục chuyển nhượng các quyền trên sẽ được diễn ra thuận tiện hơn, đặc biệt là về vấn đề chuyển giao quyền nhân thân – điểm nổi bật nhất trong bản sửa đổi này.

Giờ đây, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sẽ có thể chuyển giao quyền nhân thân phù hợp với đặc thù của lĩnh vực văn học nghệ thuật. Quy định này sẽ giải quyết được phần nào những vướng mắc lớn trong xã hội hiện tại liên quan đến mâu thuẫn giữa quyền tài sản và quyền nhân thân, điển hình nhất ở vụ kiện giữa họa sĩ bộ truyện tranh Trạng Tí, ông Lê Linh (Chủ sở hữu quyền nhân thân) và công ty Phan Thị (Chủ sở hữu quyền tài sản) từ truyện tranh lên đến phim ảnh.

Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về quyền nhân thân của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (“Luật Sở hữu trí tuệ 2005”) như sau:

Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm:

1. Đặt tên cho tác phẩm.

Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, khi một công ty thuê một nhà sáng tạo nội dung, nhà viết kịch, họa sĩ,… để tạo nên tác phẩm cho công ty mình, họ sẽ có căn cứ pháp lý vững chắc hơn để yêu cầu chuyển giao quyền nhân thân, cụ thể là quyền đặt tên cho tác phẩm (Điểm mới) và quyền công bố tác phẩm.

Các quyền khác là quyền đứng tên thật và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sẽ được giữ nguyên để bảo vệ quyền lợi của tác giả tác phẩm nắm giữ quyền nhân thân, không thể được chuyển giao. Quy định này đã được ghi rõ tại khoản 13 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: 2. Tác giả không được chuyển quyền sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật này…”

Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền tài sản có điều khoản sau: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.”

Qua đó, đối với trường hợp bên nắm giữ quyền tài sản muốn làm tác phẩm phái sinh vẫn sẽ cần phải có được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả trước thời điểm thực hiện.

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần hoặc toàn bộ ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 25 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.

Nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được sử dụng đầu tư bằng nhiều nguồn vốn trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.

Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trên không bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định: 1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.”

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định chi tiết hơn về phương thức đăng ký, nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan vốn không được quy định chi tiết trước đây.

Ngoài ra, một trong những điểm nổi bật khác của bản sửa đổi chính là về việc đơn giản hóa và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định: Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.”

Phần ‘nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ’ là điều khoản mới. Qua đó, các cơ quan quản lý từ năm 2023 sẽ có trách nhiệm ghi rõ lý do cho người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả về lí do từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Hiện tại, việc nêu rõ lý do chỉ là tùy chọn và đôi khi người nộp đơn sẽ không nhận được phản hồi đầy đủ, chi tiết.

Quy định phản hồi, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cũng được áp dụng cho nhiều điều khoản khác trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 để đảm bảo quyền lợi của người nộp đơn và tạo điều kiện cho các bên trung gian cung cấp dịch vụ pháp lý sở hữu trí tuệ có thể làm việc tốt hơn với khách hàng.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT

Nhận thức được về nhu cầu tạo nên một điểm cân bằng giữa việc bảo hộ quyền SHTT và cung cấp cho xã hội quyền tiếp cận tri thức, công nghệ nhằm mục đích phát triển, bản sửa đổi luật SHTT đã bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đảm bảo lợi ích của chủ thể sở hữu quyền cũng như các cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm cho mục đích phi thương mại.

Khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 25, Điều 25a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.

Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan được quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT

Dịch vụ tư vấn pháp lý của các các đại diện SHCN Việt Nam đã được bổ sung các quy định cho phép các bên đại diện có thể cạnh tranh lẫn nhau theo hướng lành mạnh, đôi bên cùng phát triển với mục tiêu sau cùng là bảo vệ quyền lợi của khách hàng, chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Thay đổi cụ thể bao gồm việc phân chia đại diện theo lĩnh vực, nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực.

Khoản 60 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

Điều 154. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.”.

Quy định về việc tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đã được tách ra, thành một khoản riêng biệt, thay đổi so với quy định mang tính đính kèm trước đây là “…trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;”

Ngoài ra, thay đổi quan trọng nhất trong chính sách này về việc nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực được sửa đổi tại điểm c khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bởi khoản 60 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.

Cụ thể, quy định học vấn trước đây trong điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là “Có bằng tốt nghiệp đại học” đã được sửa đổi linh hoạt hơn thành “Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;”

Từ năm 2023, dự kiến số lượng các luật sư, chuyên gia tư vấn sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp sẽ tăng lên đáng kể khi rào cản trên được gỡ bỏ theo hướng linh hoạt hơn.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT

Hoạt động bảo vệ quyền SHTT sẽ được tăng cường, có các cơ chế hợp lí và khả thi hơn. Nổi bật nhất là về việc bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo.

Khoản 80 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

2. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;

b) Cơ quan hải quan chủ động thực hiện nếu trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.”;”

Trước đây, yêu cầu tạm dừng, tạm giữ hàng hóa vận chuyển ra vào lãnh thổ Việt Nam nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Từ 2023, Cơ quan hải quan sẽ chủ động thực hiện việc tạm dừng các lô hàng nếu phát hiện căn cứ để nghi ngờ rằng hàng hóa được vận chuyển là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dù không có chỉ thị hoặc yêu cầu của chủ sở hữu quyền.

Ngoài ra, Điều 218 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có khoản 4 bổ sung sau khoản 3 theo Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có nội dung sau:

“4. Trong trường hợp cơ quan hải quan chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nếu có thông tin liên hệ và cho người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu về việc tạm dừng.

Trong thời hạn mười ngày làm việckể từ ngày thông báo, nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.”

Chính vì vậy mà trong trường hợp cơ quan hải quan chủ động tạm giam, tạm giữ lô hàng nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ vẫn cần tích cực chủ động liên hệ với Cơ quan hải quan để giải quyết vụ việc.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập

Đáp ứng các cam kết quốc tế về SHTT mà Việt Nam là một bên kí kết, bản sửa đổi của Luật SHTT sẽ thay đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền, cùng với một thay đổi quan trọng là về các nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vốn từ lâu đã được chủ sở hữu quyền tại Việt Nam ngóng đợi.

Quy định về nhãn hiệu âm thanh là một trong các cam kết quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam đối với các tổ chức và hiệp định quốc tế, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP).

Ngoài nhãn hiệu âm thanh, Việt Nam cũng đã thực hiện cam kết nội luật hóa các cam kết quốc tế như việc gia tăng tiêu chuẩn bảo hộ đối với các loại tài sản SHTT, tăng cường hiệu quả các cơ chế bảo vệ quyền SHTT.