Sau dịp Tết Nguyên Đán và những scandal xoay quanh các phát ngôn của diễn viên hài Xuân Bắc, nổi tiếng nhất trong vai Nam Tào trong chương trình Táo quân của VTV mỗi năm, các video cũ của anh đã lục tục trở lại thị trường. Trong đó, có một video anh châm biếm sản phẩm Tết giả mạo ‘vỏ nhiều nhân ít’ điển hình ở hộp bánh Chocapie đánh lạc hướng người tiêu dùng là thương hiệu Chocopie nổi tiếng. Trong bài viết sau, hãy cùng điểm lại câu chuyện bánh Chocopie giả mạo xuất hiện mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

Năm 2016, Chi cục trưởng Chi cục HQCKCSGKV1 đã ra Quyết định số 150/QĐ-SHTT tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng “Choco Pie” của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên (Công ty Phạm Nguyên) vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Dù không có sự ủy quyền hay cấp phép của Công ty Orion sở hữu nhãn hiệu ChocoPie chính thống mà người Việt Nam quen thuộc, công ty Phạm Nguyên đã tự ý sản xuất và in nhãn hiệu gần như tương tự với nhãn hiệu Chocopie, cả về màu sắc, kiểu chữ và bao bì,… Trong đó, chỉ có tên gọi ChocoPie là không được sao chép, thay vào đó là Choco Pie (với dấu cách giữa từ Choco và Pie)

Theo đó, Chi cục HQCKCSGKV1 cùng Đội 4 – Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan với sự chứng kiến của Công ty PN (đại diện ủy quyền của Công ty Orion) đã mở kiểm tra lô hàng và lấy mẫu niêm phong, lập phiếu trưng cầu giám định.

Ngày 22/1/2016, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ban hành Kết luận số NH019-16TC/KLGĐ đối với lô hàng bánh “Choco Pie” của Công ty Phạm Nguyên: “Dấu hiệu Choco Pie gắn trên vỏ hộp sản phẩm bánh bọc sô cô la nhân dẻo Choco Pie xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 16915 ngày 31/5/1995, 23610 ngày 1/8/1997 và 29923 ngày 3/3/1999 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty Orion Corporation”.

Mức xử phạt hành chính cho Công ty Phạm Nguyên là 246 triệu đồng do có hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ngoài xử phạt hành chính, Công ty Phạm Nguyên còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gồm 600 thùng bánh “Choco Pie 168” (28g X 6 cái X 16 hộp/thùng) và 600 thùng bánh “Choco Pie 336” (28g X 12 cái X 8 hộp/thùng.

Không chỉ Choco Pie mà trong thời gian gần đây, vô vàn nhãn hiệu tương tự ChocoPie cũng xuất hiện như Chocapie, Choca Pie, Chocolate Pie,… với hình ảnh tương tự ChocoPie.

Góc nhìn

Việc các nhà sản xuất các sản phẩm giả mạo đặt tên khác một chút so với nhãn hiệu, thương hiệu ChocoPie chính thống có thể suy tính rằng các nhà sản xuất đó lo ngại về hành vi vi phạm nhãn hiệu hoặc là tìm cớ khi lực lượng chức năng truy bắt như “Tôi có vi phạm nhãn hiệu đâu, tên hoàn toàn khác nhau này.”

Tuy nhiên, ngoài tên thì hình ảnh bánh, màu sắc đỏ, vàng, trắng,… hoàn toàn trùng với các sản phẩm của ChocoPie. Còn 2 điểm khác đáng chú ý khiến biện pháp trên hoàn toàn vô nghĩa là hầu hết các sản phẩm này dù không trùng tên nhưng lại thường ăn trộm và dán tên công ty Orion là bên sản xuất Chocopie chính thống vào sản phẩm giả mạo.

Điểm khác là dù không trùng tên nhưng cách đọc tương tự, chỉ thay một dấu cách vào tên hoặc các thay đổi nhỏ khác cũng sẽ cấu thành hành vi cố ý đánh lừa người tiêu dùng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, phương pháp các bên sản xuất ChocoPie giả mạo là hoàn toàn vô tác dụng. Để đỡ phiền hà, tốt nhất là các bên giả mạo trộm luôn cả tên Orion cũng như nhãn hiệu ChocoPie hoàn chỉnh do cách đổi tên này hoàn toàn không có tác dụng.

Ngoài vi phạm sở hữu trí tuệ, các tổ chức sản xuất ChocoPie giả mạo cũng phạm nhiều luật khác như không bảo đảm chất lượng sản phẩm như quảng cáo do khi mở các hộp giả mạo ra, người mua hầu như chỉ thấy một vài miếng bánh quy như trong video của Xuân Bắc chứ không có bánh chocopie nào cả.