Hai khái niệm Nhãn hiệu và Thương hiệu thường bị sử dụng nhầm lẫn do chưa hiểu được hết ý nghĩa của hai từ này. Vậy thực sự thương hiệu và nhãn hiệu có khác nhau không? Chúng được sử dụng trong trường hợp nào?

Nhãn hiệu và thương hiệu là gì?

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Thương hiệu (Brands) là những dấu hiệu hữu hình và vô hình, để nhận biết một sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ nào đó được sản xuất hay cung cấp bởi cá nhân hoặc một tổ chức thứ 3 khác. Trong khi đó, theo Khoản 16 Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ, Nhãn hiệu (Marks) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Như vậy, về cơ bản thì nhãn hiệu và thương hiệu là khác nhau. Ví dụ, thương hiệu Acecook sẽ có những nhãn hiệu như Hảo hảo, SiuKay, Đệ nhất, … Thương hiệu Unilever có các nhãn hiệu như Sunlight, Cif, Comfort hay Omo. Nhãn hiệu có thể hiểu là những yếu tố cấu thành nên thương hiệu.

Nhãn hiệu và thương hiệu là khác nhau

Phân biệt thương hiệu với nhãn hiệu

Có một vài tiêu chí sau để có thể hình dung một cách đơn giản nhất về sự khác nhau giữa Thương hiệu và Nhãn hiệu.

Tiêu chíThương hiệuNhãn hiệu
Pháp lýKhông được bảo hộ quyền SHTT tại Việt NamĐược bảo hộ quyền STHH tại Việt Nam
Vật chấtTồn tại trong tâm trí người tiêu dùngNhận diện qua hình ảnh, biểu tượng
Thời gian tồn tạiLâu dàiCó thời hạn

Căn cứ pháp lý

Nhãn hiệu là thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong lĩnh vực pháp luật và là 1 đối trượng của Sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập khi chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu nổi tiếng) và được Cục SHTT cấp Văn bằng bảo hộ.

Thương hiệu là thuật ngữ được sử dụng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing. Không như nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ thì thương hiệu lại không phải là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Chính vì thế chúng ta có thể hiểu đơn giải rằng nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ quyền SHTT và thương hiệu thì không.

Tính chất vật chất

Nhãn hiệu là các hữu hình, nó có thể là chữ cái, hình ảnh,từ ngữ hay sự kết hợp tất cả giữa chúng và chúng ra có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Ví dụ: Có thể kể đến những nhãn hiệu rất nổi tiếng như xe máy Air Blade là của thương hiệu Honda.

Thương hiệu là cái vô hình và chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó mà không thể nhìn thấy được như nhãn hiệu. Ví dụ: Khi nói đến Honda thì người ta sẽ nghĩ ngay đến các loại xe như Vision, Wave alpha, SH, Winner,…

Dựa vào điểm này thì chúng ta cũng phần nào đó hình dung và có thể có cơ sở để nhận biết, phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Thương hiệu sẽ tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng, nhãn hiệu được nhận diện qua hình ảnh, biểu tượng.

Thời gian bảo hộ và thời gian tồn tại

Nhãn hiệu: Có tuổi thọ ngắn hơn so với “thương hiệu”. Bởi nó được bảo hộ thông qua Giấy chứng nhận mà pháp luật thì quy định về thời hạn bảo hộ là 10 năm và chủ sở hữu có thể gia hạn, mỗi lần gia hạn là 10 năm, không giới hạn số lần gia hạn. Nó sẽ không tồn tại nếu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu chấm dứt sự tồn tại.

Thương hiệu: Không cần được bảo hộ mà nó gắn liền với sự tồn tại của doanh nghiệp. Nó có thể tồn tại ngay cả khi hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu không tồn tại bởi thương hiệu do sự đánh giá của người tiêu dùng nên chừng nào sản phẩm còn được người tiêu dùng tin dùng và có cảm nhận tích cực thì sản phẩm đó cũng sẽ vẫn còn thương hiệu, ít nhất là đối với người tiêu dùng đó.

Kết luận

Ngoài ra, Thương hiệu và nhãn hiệu còn khác nhau về sự định giá và khả năng xâm phạm. Như vậy có thể khẳng định, Thương hiệu và Nhãn hiệu là hai khái niệm khác nhau. Có thể liên tưởng rằng, nhãn hiệu là phần xác, còn thương hiệu là phần hồn của một sản phẩm. Để tạo được chỗ đứng trong thị trường, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời cả Nhãn hiệu và Thương hiệu.

-Namneyu-