Easter Egg dịch ra là trứng phục sinh, tuy nhiên, trong bài viết này, khái niệm Easter Egg sẽ không được mô tả mà thay vào đó, VLIP sẽ phân tích về vấn đề Easter Egg trong lĩnh vực game và khả năng xâm phạm bản quyền mà nó mang lại.
Easter Egg trong ngành game
Easter Egg là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả, giới thiệu các lĩnh vực khác trong xã hội trong một tựa game (thường Easter Egg hiện nay là các tựa game khác).
Ví dụ, tựa game Dark Souls 1 được coi là một trong các tựa game hay nhất thế giới trong kỷ nguyên game hiện đại kể từ những năm 1990s hoặc 2000s trở đi. Dark Souls 1 là tượng đài trong giới game, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tựa game có phong cách u ám, tối tăm khác như Fallout 4, The Witcher 3, Overwatch, Borderlands 2, Monster Hunter World,…
Nhiều game có Easter Egg về Dark Souls sau đó đã được bình chọn trở thành tựa game của năm, tức game vĩ đại nhất năm nó được phát hành. Nổi bật nhất là game The Witcher 3 được nhiều bên công nhận và trao giải GOTY 2015 (Giải GOTY nghĩa là Game Of The Year tuy nhiên cần lưu ý rằng có nhiều đơn vị ở nhiều quốc gia khác nhau đều sử dụng thuật ngữ này trong bảng xếp hạng và bình chọn của họ, qua đó, sẽ có góc nhìn và danh sách GOTY khác nhau).
Easter Egg của Dark Souls rất dễ nhận biết. Đó là hình ảnh một thanh kiếm cắm trên một đống lửa trại (bonfire). Người chơi thường sẽ điều khiển nhân vật của mình để nhóm lửa lên. Ý nghĩa của hành động này còn tương đối mơ hồ, thường chỉ được hiểu là một nét đặc trưng của các tựa game Souls, một cách chơi chữ giữa bonfire (lửa trại) và bonefire (bone fire – lửa trên đám xương) tượng trưng cho không khí u ám của game.

Không chỉ Dark Souls, các tựa game, thậm chí là phim ảnh và các lĩnh vực khác cũng có nhiều Easter Eggs chỉ đến các tựa game hoặc các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong tựa game Witcher 2 có Easter Egg về một xác chết mặc áo choàng trắng bên cạnh đống cỏ khô.
Đây là Easter Egg chỉ đến series trò chơi điện tử Assassin’s Creed nổi bật với hình ảnh các sát thủ mặc áo choàng trắng, kín mít và có hành động đặc trưng là nhảy từ điểm cao nhất 1 khu vực đến 1 bãi cỏ khô mà không chịu tổn thương nào (Trái ngược với các logic vật lí thông thường).
Một tựa game trong kỷ nguyên hiện tại thường sẽ có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn Easter Egg nhỏ chỉ về các tựa game khác như một sự tôn trọng, góp phần tạo kết nối, liên kết giữa các nhà sản xuất và phát hành game.
Easter Egg cũng có thể có công dụng tạo nên sự tò mò, hứng thú tìm kiếm bí mật của người chơi và qua đó, có sự tương tác tốt hơn đối với game, đẩy mạnh độ ‘hot’ của game lên trên các diễn đàn, cộng đồng game như Reddit, hội nhóm trên Facebook, cộng đồng mod,…
Easter Egg liệu có cấu thành xâm phạm bản quyền?
Easter Egg thường xuất hiện trong các trò chơi điện tử, nhưng đôi khi chúng cũng nằm trong các tác phẩm văn hóa, các sự kiện trong đời thực. Easter Egg hay đôi khi được xem như Reference (Sự tham khảo, ghi danh) đã trở thành một yếu tố gắn bó sâu kết trong đời sống.
Với sự phổ biến như vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu việc này có hợp pháp hay không? Liệu việc đặt Easter Egg trong các tựa game hay sản phẩm mình tạo ra chỉ về các bên khác có ‘ổn’ không, có mâu thuẫn pháp lý không?
Ở hầu hết các trường hợp, đối với các tựa game AAA (nhiều kinh phí, có tầm cỡ lớn) thì việc đặt Easter Egg trong game của mình thường sẽ không cấu thành hành vi vi phạm bản quyền, do việc đặt một yếu tố vào game của họ không đơn giản. Trong quá trình sản xuất game kéo dài vài năm hoặc hơn 10 năm, cá biệt gần 20 năm thì có thể gần như chắc chắn rằng họ đã xem xét kĩ lưỡng các vấn đề có thể phát sinh từ Easter Egg, đã hỏi, xin phép hoặc thỏa thuận với các bên được đề cập trong game của mình.
Tuy nhiên, đối với các game nhỏ thì việc đặt các Easter Egg thường không được kiểm soát chặt chẽ như vậy. Nhà sản xuất có thể sẽ bỏ quên vấn đề vi phạm bản quyền khi cho Easter Egg vào game, cân nhắc rằng họ đang ‘giúp’ các nhà phát triển đó thông qua việc Marketing miễn phí cho họ.
Trong hầu hết các trường hợp, do quy mô còn nhỏ lẻ, không ảnh hưởng nghiêm trọng nên hầu hết các nhà phát triển bị chỉ đích danh sẽ không bỏ thời gian công sức để kiện, miễn là các Easter Egg thật sự có công dụng Marketing chứ không bôi nhọ, hạ thấp tựa game của họ.
Nhưng, họ sẽ thực hiện các hành động pháp lý nếu họ cảm thấy rằng họ chịu thiệt hại hoặc ngược lại, khi họ cảm thấy mình có thể kiếm được lợi ích đáng kể qua việc kiện các nhà sản xuất game đó.
Nếu vụ kiện xâm phạm bản quyền được tiến hành, tòa án sẽ xem xét liệu việc nhà sản xuất game có vi phạm bản quyền hay không và mức độ vi phạm dựa trên số lượng cũng như tính chất của các Easter Egg, cũng như ảnh hưởng mà nó mang lại cho nhà phát triển gốc.
Ví dụ, việc đặt Easter của một nhà phát triển quá nhiều lần trong game có khả năng sẽ cấu thành hành vi xâm phạm bản quyền, có thể bị nhà phát triển tố rằng lợi dụng hình ảnh, uy tín của họ để khiến game do nhà sản xuất tạo ra trở nên nổi tiếng, thu hút và kéo cộng đồng người chơi của các game gốc sang.
Hoặc, game mới được tạo ra cũng có thể có quá nhiều Easter Egg về nhiều game khác nhau có khả năng bị nhiều nhà phát triển kiện cùng lúc. Một ví dụ điển hình là ở bộ phim-game Ready Player One bản chất là một bộ phim kể về thế giới game VR trong tương lai. Ready Player One chính là một nồi lẩu văn hóa (melting pot) trong thế giới game, tổng hợp vô vàn tài sản trí tuệ từ gần như mọi tựa game từng tồn tại trên thế giới.

Dù là một bộ phim điển hình nhất về Easter Egg (Chính bản thân nội dung cốt lõi của bộ phim này chính là để tìm kiếm 3 quả trứng phục sinh Easter Egg của nhà sáng tạo James Halliday) nhưng bản thân Ready Player One lại không hề vướng bất kì rắc rối về bản quyền nào.
Theo tìm hiểu, hầu hết các tài sản trí tuệ trong bộ phim đều thuộc về Warner Bros. Pictures hoặc các công ty đã từng có liên kết với Warner Bros, qua đó việc thỏa thuận về bản quyền sẽ tương đối đơn giản. Kể cả có các Easter Egg không có liên quan đến nhà phát hành Warner Bros thì chắc chắn rằng một trong những nhà sản xuất, phát hành phim lớn nhất thế giới cũng đã giải quyết xong mọi vấn đề bản quyền, như việc mua lại quyền sản xuất bộ phim Ready Player One từ tác giả bộ truyện cùng tên Ernest Cline hồi năm 2010.
Quay lại vấn đề ban đầu, nếu xét việc Ready Player One có một lượng lớn Easter Egg như vậy mà không có sự thỏa thuận với các bên, chắc chắn rằng nhà sản xuất, phát hành bộ phim sẽ bị kiện vì hành vi xâm phạm bản quyền, tự ý sử dụng tài sản trí tuệ của các bên khác.
Ngoại lệ về việc sử dụng tài sản được bảo hộ quyền tác giả
Nếu nghi vấn về việc đặt Easter Egg có vi phạm bản quyền hay không, các nhà sản xuất game có thể xem xét các ngoại lệ về việc sử dụng tài sản được bảo hộ quyền tác giả.
Trong lĩnh vực game, một yếu tố phổ biến có thể được cân nhắc là yếu tố sử dụng hợp lý (fair use). Thuật ngữ này được quy định trong Luật Bản quyền của Hoa Kỳ nhưng được sử dụng như một thuật ngữ chung trong lĩnh vực bản quyền tại các khu vực tài phán khác dẫu các quy định cụ thể quy định về việc sử dụng hợp lý sẽ có sự khác nhau nhất định.
Với nguyên tắc sử dụng hợp lý, các Easter Eggs sẽ có khả năng tồn tại nhiều hơn do việc trích dẫn các tác phẩm khác trong một tựa game có thể được coi là hợp lý, nếu mục đích của Easter Egg đó là giải thích, phân tích phê bình, giáo dục,… trong phạm vi hợp lý.
Về cơ bản, hợp lý có thể được hiểu là Easter Egg không tạo ảnh hưởng xấu đến tựa game gốc, dù có phê bình nhưng thiên hướng hài hước, không ‘chửi’ thẳng mà thậm chí có mục đích tôn vinh, kết nối thì các Easter Egg sẽ không cấu thành hành vi vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, tốt nhất là khi tạo nên một Easter Egg và đưa nó vào tác phẩm của mình, các nhà sản xuất game nên có sự thỏa thuận, thông báo trước cho bên nhà phát hành game ban đầu để có bằng chứng về sự cho phép, cấp phép tạo nên Easter Egg để nếu vụ việc có trở nên căng thẳng, bên nhà sản xuất cũng sẽ có cơ sở để bảo vệ lợi ích bản thân.
Dẫu vậy, thực tế, phương thức trên thường chỉ có được áp dụng bởi các nhà sản xuất có quy mô tương đối trong nước và trên thế giới. Nếu chỉ là một cá nhân, tổ chức nhỏ mới thành lập không có danh tiếng, các đơn xin phép, yêu cầu tạo Easter Egg thường sẽ không được duyệt, thậm chí phản hồi.
Nếu không có bằng chứng xác đáng về việc được cấp phép đưa Easter Egg vào sản phẩm, các nhà sản xuất game tuyệt đối không nên mặc định hiểu ngầm rằng việc đưa Easter Egg vào là ‘ổn’. Do nếu thành công, thu lợi nhuận cao, chắc chắn họ sẽ bị khởi kiện đòi quyền lợi.
Dù thắng hay thua thì thời gian, công sức bỏ ra để xử lý các vụ kiện đều sẽ trở nên rất phức tạp.