Dẫu rằng năm 2021 nước ta đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19, song các hoạt động xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế vẫn được thực hiện triển khai với tinh thần truyền bá, gia tăng hình ảnh thương hiệu Việt. Một trong những điểm nổi bật nhất của SHTT trong năm 2021 chính là các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Về chỉ dẫn địa lý, nói chung, năm 2021 chính là một năm thành công lớn với 2 chỉ dẫn địa lý của nước ta đã được bảo hộ tại Nhật Bản, đó là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận.

Thành công này được tạo dựng nên trên nỗ lực không ngừng nghỉ của Cục SHTT, Bộ KH&CN và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan khác.

Trong năm 2021, Cục SHTT đã tiếp nhận và xử lý 10 đơn đăng ký, 02 đơn yêu cầu sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo đó, Cục đã cấp 12 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 01 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

Tình trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong năm 2021

Năm 2021 là năm đặc biệt bởi lẽ các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam năm nay có một sự đa dạng, phong phú về chủng loại hơn nhiều so với các năm khác.

Cụ thể:

  • Sản phẩm thủy hải sản chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,7% bao gồm cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre, cá bỗng Hà Giang, tôm sú Cà Mau và ốc hương Khánh Hòa.
  • Sản phẩm chế biến chiếm tỷ lệ 33,3% bao gồm chè shan tuyết Na Hang, miến dong Bắc Kạn, tiêu Đắk Nông và chè shan Phình Hồ;
  • Sản phẩm hoa quả và dược liệu chiếm tỷ lệ 16,7% bao gồm bưởi Soi Hà và sâm nam Núi Dành.

Trong năm 2021, Việt Nam bảo hộ thêm 01 chỉ dẫn địa lý cho Nhật Bản với sản phẩm quả hồng sấy khô Ichida. Thành công này bắt nguồn từ sự hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai nước.

Tương tự, dựa trên thỏa thuận hợp tác về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản, Việt Nam cũng đã đăng ký thành công 2 chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận trong năm 2021.

Tình trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam 

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản chính là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ giữa cơ quan SHTT của 2 quốc gia.

Với thành công này, việc tiêu thụ, mua bán và xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt được hỗ trợ lớn.

Vải thiều Lục Ngạn

Chỉ riêng trong mùa vải năm 2021 thì tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 1000 tấn. Dẫu con số này lớn nhưng xét về quy mô quốc gia thì vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, con số này cũng là minh chứng cho việc nông sản và hình ảnh thương hiệu Việt Nam đã dần đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Để tiếp tục phát huy những kết quả này, Bộ KH&CN và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam vào cuối năm 2021.

(Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế – Cục Sở hữu trí tuệ)