I Am Hero: AFK Tactical Teamfight – sản phẩm đến từ một studio Việt đang bị gã khổng lồ Riot Games cáo buộc đạo nhái. Phía Riot soi ra sản phẩm game này sao chép đến 99%  từ tạo hình nhân vật cho đến cốt truyện. Đây là thông tin gây sốc đối với cộng đồng game thủ Việt Nam, đặc biệt là với số tiền bồi thường khổng lồ mà Riot yêu cầu.

I Am Hero: AFK Tactical Teamfight – sản phẩm đến từ một studio Việt, theo thể loại Auto Battle như Dota Auto Chess và TFT của Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) đang là cái tên nóng nhất hiện tại. Bởi Riot Games mới đây đã đâm đơn kiện studio phát hành tựa game này lên toà án California vì đạo nhái cốt truyện, kỹ năng, tạo hình và cả tên tuổi của các vị tướng trong LMHT.

Đây không phải là lần đầu tiên những tựa game của Riot bị “sao chép”

Theo các game thủ nhận định, phần miêu tả của nhân vật được copy y nguyên không lệch một dấu chấm dấu phẩy. Thậm chí, kỹ năng sao chép gần như hoàn toàn của LMHT mà không có bất kỳ sự đầu tư nâng cấp nào. 

Phía Riot Games yêu cầu studio phát hành tựa game này dừng việc bán game vi phạm và phải đòi bồi thường 150.000 USD (3,4 tỷ VNĐ) cho mỗi trường hợp vi phạm bản quyền.

Sau khi nhà phát triển game Việt bị đâm đơn kiện, họ đã phủ nhận việc đạo nhái các vị tướng LMHT như trong đơn kiện của Riot Games. Tuy nhiên, vụ việc đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn game thủ cả trong nước và quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên những tựa game của Riot bị “sao chép” bởi những nhà phát hành khác. Trước đó, Mobile Legends: Bang Bang cũng đã phải trả số tiền bồi thường lên đến 2,9 triệu USD khi bị Tencent (công ty mẹ của Riot) tố đạo nhái.

Công ty game Việt đứng trước vụ kiện với số tiền bồi thường khổng lồ (Ảnh chụp màn hình)

Mới đây, Apple, Google và Garena đã bị cáo buộc vi phạm bản quyền đối với tựa game Battle Royale dành cho thiết bị di động Free Fire, và người đâm đơn kiện chính là Krafton, công ty mẹ của nhà phát triển và phát hành PUBG.

Công ty Hàn Quốc cáo buộc Free Fire (FF) đã sao chép một số đặc điểm của PUBG: Battlegrounds, trong đó bao gồm “cấu trúc trò chơi, vật phẩm trong trò chơi, trang bị và địa điểm”. Trong khi Garena bị kiện vì đã tạo ra FF từ việc đạo nhái ý tưởng thì Google và Apple bị kiện vì đã phân phối trò chơi này trên App Store và CH Play.

Được biết, vào cuối năm 2020, ứng dụng của Garena đã có hơn 100 triệu người dùng hàng ngày. Hơn thế, Garena cho biết Free Fire là trò chơi di động được tải xuống nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2019 và 2020.

Krafton ước tính rằng Garena đã kiếm được hơn 2 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có 100 triệu USD đến từ thị trường Hoa Kỳ. Krafton yêu cầu Garena phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc vi phạm tài liệu có bản quyền của mình từ ngày 13/04/ 2019 và hành vi vi phạm đó là “cố ý, có chủ đích và có mục đích”.