Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành mới đây có 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan đến quyền tác giả.

Theo nhóm chính sách này, các quy định về quyền tác giả, cụ thể hơn là cá nhân, tổ chức nắm giữ quyền tài sản bao gồm chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn đã được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn.

Qua đó, các thủ tục chuyển nhượng các quyền trên sẽ được diễn ra thuận tiện hơn, đặc biệt là về vấn đề chuyển giao quyền nhân thân – điểm nổi bật nhất trong bản sửa đổi này.

Giờ đây, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sẽ có thể chuyển giao quyền nhân thân phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả.

Quy định này chắc chắn sẽ giải quyết được những vướng mắc lớn trong xã hội hiện tại liên quan đến mâu thuẫn giữa quyền tài sản và quyền nhân thân.

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả.

Quy định này dự kiến sẽ khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Một trong những điểm nổi bật của bản sửa đổi chính là về việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc đăng ký cũng như xác lập quyền, kể cả đối với các quyền được tự động bảo hộ.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT.

Nhận thức được về nhu cầu tạo nên một điểm cân bằng giữa việc bảo hộ quyền SHTT và cung cấp cho xã hội quyền tiếp cận tri thức, công nghệ nhằm mục đích phát triển, bản sửa đổi luật SHTT đã bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đảm bảo lợi ích của chủ thể sở hữu quyền cũng như các cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm cho mục đích phi thương mại.

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT.

Dịch vụ đại diện của các các đại diện SHCN sẽ được bổ sung các quy định cho phép các bên đại diện có thể cạnh tranh tốt hơn theo hướng lành mạnh, đôi bên cùng có lợi với mục đích sau cùng là bảo vệ quyền lợi của khách hàng, của chủ thể quyền SHTT.

7 nhóm chính sách lớn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Cụ thể là việc phân chia đại diện theo lĩnh vực, nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

Hoạt động bảo vệ quyền SHTT sẽ được tăng cường, có các cơ chế hợp lí và khả thi hơn. Nổi bật nhất là về việc bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.

Đáp ứng các cam kết quốc tế về SHTT mà Việt Nam là một bên kí kết, bản sửa đổi của Luật SHTT sẽ thay đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền, cùng với một thay đổi quan trọng là về các nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vốn từ lâu đã được chủ sở hữu quyền tại Việt Nam ngóng đợi.