Nhãn hiệu, thương hiệu có thể nói là nhầm lẫn lớn nhất của chúng ta về hệ thống sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ hiện nay, sau nhiều thập kỉ phổ biến, chúng ta vẫn khó thể phân biệt được sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu và vẫn coi 2 khái niệm này là một. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không đúng. Vậy, sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu là gì?

Về cơ bản, sự khác biệt lớn nhất giữa nhãn hiệu và thương hiệu chính là sự tồn tại chính thức trong các văn bản pháp luật.

Hiện nay, luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ công nhận nhãn hiệu chứ không hề có một điều khoản nào quy định về thương hiệu.

Căn cứ Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu (trademark) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Ngoài ra, tuy không được quy định tại Việt Nam nhưng theo định nghĩa của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, thương hiệu (brand) là dấu hiệu hữu hình hoặc vô hình đặc biệt để nhận biết 1 sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi cá nhân hay một tổ chức.

Nhãn hiệu và thương hiệu – Điểm nào để phân biệt?

Tuy hay được so sánh và thậm chí là sử dụng đè lên nhau nhưng trên thực tế, nhãn hiệu và thương hiệu rất khác biệt mặc dù theo định nghĩa bên trên thì khó phân biệt.

Cụ thể, nhãn hiệu được hiểu đơn giản là các từ ngữ, hình ảnh, logo của một doanh nghiệp nào đó, thể hiện dưới dạng nhìn thấy được bằng mắt thường và phải được đăng ký với Cục SHTT để xác lập quyền.

Tạm thời không bàn đến các loại nhãn hiệu đặc thù như mùi hương và âm thanh vốn hiện tại chưa phổ biến ở Việt Nam thì hầu hết các loại nhãn hiệu đều sẽ được hiểu và nhận thức dưới dạng chữ cái, ví dụ như hình ảnh quả táo cắn dở của Apple, hay logo BMW đặc trưng,…

Ngược lại, thương hiệu thì lại hay được sử dụng trong lĩnh vực Marketing hơn. Ví dụ là khi nghe đến từ ‘Apple’, người nghe thường sẽ không liên tưởng đến một quả táo theo đúng nghĩa đen mà sẽ liên tưởng đến quả táo cắn dở – đặc trưng cho dòng sản phẩm Iphone, Ipad, Ipod,…

Tương tự, khi nghe đến từ Nokia thì hình ảnh của một chiếc điện thoại cũ kĩ và đặc biệt bền, chắc sẽ hiện lên trong đầu người nghe.

Mối tương quan giữa thương hiệu và nhãn hiệu

Nhãn hiệu, ngoại trừ các nhãn hiệu nổi tiếng, đều cần phải được đăng ký để có thể được bảo hộ thành công ở các quốc gia tuân theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như Việt Nam.

Ngược lại, thương hiệu lại tương đối đặc thù hơn và không rõ ràng như nhãn hiệu.

Bởi lẽ thương hiệu có thể tồn tại ngay khi công ty được tạo nên và sẽ có ảnh hưởng trước khi bất kì một loại nhãn hiệu nào được đăng ký. Tuy nhiên, cũng có thể là thương hiệu chỉ tồn tại sau khi nhãn hiệu được đăng ký hoặc thậm chí là phải rất lâu sau khi nhãn hiệu đã đăng ký thành công thì thương hiệu mới định hình và tồn tại trong lòng người tiêu dùng.