Khi mua các sản phẩm thực phẩm nói riêng, và các loại hàng hóa khác nói chung, ngoài các thông tin cần quan tâm như hình thức, cách sử dụng, hạn dùng… người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến xuất xứ hàng hóa vì trên thực tế, có không ít các loại thực phẩm, hàng hóa khác được làm giả, nhưng để tăng thêm sự tin cậy của người tiêu dùng, người ta không ngại khi in lên nhãn mác, bao bì một ký hiệu nhận dạng, đó là mã vạch.
Mã vạch: là sự thể hiện thông tin trong các dạng nhìn thấy trên các bề mặt của sản phẩm, hàng hóa mà máy móc có thể đọc được. Nguyên thủy thì mã vạch lưu trữ dữ liệu theo bề rộng của các vạch được in song song cũng như của khoảng trống giữa chúng, nhưng ngày nay chúng còn được in theo các mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm hay chúng ẩn trong các hình ảnh. Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt.
Nội dung của mã vạch là thông tin về sản phẩm như: Nước đăng ký mã vạch, tên doanh nghiệp, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin về kích thước sản phẩm, nơi kiểm tra…
Lịch sử của mã số mã vạch
Năm 1948, chủ tịch của một công ty buôn bán đồ ăn mong ước làm sao để có thể tự động kiểm tra toàn bộ quy trình. Biết được mong ước đó, Norman Joseph Woodland và Bernard Silver, khi ấy đang là sinh viên ở trường Đại học tổng hợp Drexel, đã phát triển ý tưởng này. Một trong những ý tưởng đầu tiên của họ là sử dụng mã Morse để in những vạch rộng hay hẹp thẳng đứng. Sau đó, họ chuyển sang sử dụng dạng “điểm đen” của mã vạch với các vòng tròn đồng tâm. Bằng sáng chế công trình Classifying Apparatus and Method (Thiết bị và phương pháp phân loại) đã được cơ quan quản lý sáng chế Mỹ phát hành năm 1952.
Ứng dụng của mã số mã vạch
Mã vạch được sử dụng ở những nơi mà các đồ vật cần phải đánh số với các thông tin liên quan để các máy tính có thể xử lý. Thay vì việc phải đánh một chuỗi dữ liệu vào phần nhập liệu của máy tính thì người thao tác chỉ cần quét mã vạch cho thiết bị đọc mã vạch. Chúng cũng làm việc tốt trong điều kiện tự động hóa hoàn toàn, chẳng hạn như trong luân chuyển hành lý ở các sân bay.
Các dữ liệu chứa trong mã vạch thay đổi tùy theo ứng dụng. Trong trường hợp đơn giản nhất là một chuỗi số định danh được sử dụng như là chỉ mục trong cơ sở dữ liệu trong đó toàn bộ các thông tin khác được lưu trữ. Các mã EAN-13 và UPC tìm thấy phổ biến trên hàng bán lẻ làm việc theo phương thức này.
Ý nghĩa của mã số mã vạch
Tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều cần phải có mã vạch. Mã vạch giống như một “Chứng minh thư” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau.
Mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: mã số của hàng hoá để con người nhận diện và phần mã vạch chỉ để dành cho các loại máy tính, máy quét đọc đưa vào quản lý hệ thống.