Sau khi điều tra và phát hiện việc sản xuất và tiêu thụ hơn 3.2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, cơ quan điều tra khởi tố 3 cán bộ của Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Điều tra vụ việc và bằng chứng
Ngày 18/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát.
Theo đó, đơn vị đã điều tra 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng. Cảnh sát đã niêm phong nhiều tài liệu liên quan cũng như 3 dây chuyền máy in offset 4 màu cùng các loại máy gia công khác phục vụ việc sản xuất sách giả.
Các xưởng in này đã sản xuất hơn 3.2 triệu cuốn sách giáo khoa và các loại sách tham khao giả từ lớp 1 đến lớp 12. Không những thế, các xưởng này còn sản xuất và gia công các sổ sách kế toán có liên quan. Hiện C03 đang phân loại các bằng chứng và tài liệu thu giữ được để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội.
Dính líu tới cán bộ cục quản lý thị trường
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được sau khi điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra Đội Quản lý thị trường số 17, Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội và một số đơn vị có liên quan.
Trong đó, tối 23/7, 3 cán bộ cục quản lý thị trường đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam theo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị can là: Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14); Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội).
C03 cho biết đây là đường dây sản xuất và tiêu thụ sách giả với số lượng cao nhất cả nước từ trước đến nay. Đường dây này có thủ đoạn chia nhỏ các lượng việc qua các khâu để lách luật, tránh bị cảnh sát điều tra. Để tránh bị phát hiện, đường dây này sản xuất luôn tem giả và mọi quy trình khác từ in ấn đến đóng gói, tiêu thụ đều hoạt động khép kín. Ở mỗi khâu, nhóm tội phạm thành lập một doanh nghiệp để điều hành.
Sau khi sản xuất, các cơ sở nói trên tuồn sản phẩm ra một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh…