Thẻ meta tag là những loại thông tin mà chúng ta thường không nhìn thấy trên các trang web. Thẻ meta tag chính là một phần trọng yếu trong chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Tuy nhiên, điều mà thậm chí cả nhiều SEOer cũng không biết là đặt thẻ meta tag bừa bãi cũng có thể dẫn đến hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Công dụng của thẻ meta tag

Thẻ meta tag có chức năng mô tả và định hướng nội dung của trang web. Điều này khiến cho người tiêu dùng tìm đến các bài báo, trang web mà mình muốn đọc dễ dàng hơn. Chẳng hạn, khi người dùng tìm kiếm một cụm từ thông qua một công cụ tìm kiếm, điển hình như Google và Bing, các trang web được hiển thị sẽ có các thẻ meta tương tự với nội dung được tìm kiếm.

Các thẻ meta tag, cùng với thẻ mô tả nội dung trang web (meta description) và các dòng mã HTML khác, thường được gắn kèm với các trang web hoặc bài đăng trên blog để thu hút người dùng.

Sử dụng nhãn hiệu trong thẻ meta – Thẻ meta có thể vi phạm nhãn hiệu không?

Các loại thẻ meta phổ biến nhất là thẻ meta mô tả (meta description) và thẻ meta từ khóa (meta keyword). Thẻ meta mô tả cung cấp một mô tả ngắn tóm tắt về trang web, còn thẻ meta từ khóa là một từ hoặc cụm từ mô tả tốt nhất chủ đề của trang web, tóm gọn nội dung trang web bằng một vài từ khóa. Nhiều thông tin khác được các trình duyệt web và công cụ tìm kiếm cho là quan trọng là các thẻ meta hữu ích khác bao gồm: thẻ meta http-equiv, thẻ meta refresh, thẻ bản quyền meta copyright, thẻ tác giả meta author,…

Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn hiệu của bên thứ ba trong các thẻ meta đã dấy lên lo lắng trong cộng đồng SEO thời gian gần đây. Bởi hành vi này chính là hành vi vi phạm nhãn hiệu qua việc tự ý sử dụng thẻ meta nổi tiếng, gắn liền với thương hiệu của bên khác.

Một ví dụ về thẻ meta miêu tả. Ảnh: hurasoft

Ví dụ: chủ sở hữu trang web nhúng nhãn hiệu của bên thứ ba vào dữ liệu thẻ meta để thu hút lưu lượng truy cập Internet của chủ sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu. Điều này có thể chuyển hướng lưu lượng truy cập trang web khỏi trang web của chủ sở hữu nhãn hiệu. Qua đó, ‘ăn trộm’ một lượng lớn khách hàng của chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc ít nhất là khiến cho trang web của chủ sở hữu nhãn hiệu bị bóp tương tác, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và hình ảnh thương hiệu.

Xác định vi phạm nhãn hiệu qua thẻ meta

Yếu tố cốt lõi của việc vi phạm nhãn hiệu là liệu sự giống nhau của các nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng về nguồn gốc của sản phẩm hay không. Qua đó, các tòa án xác định khả năng nhầm lẫn nhãn hiệu bằng cách đánh giá các yếu tố sau:

1. Sự giống nhau của các nhãn hiệu;

2. Sự liên quan hoặc độ tương đồng của các sản phẩm hoặc dịch vụ của hai công ty;

3. Ảnh hưởng của nhãn hiệu đã đăng ký;

4. Các kênh tiếp thị được sử dụng;

5. Mức độ cẩn thận của người mua trong việc lựa chọn hàng hóa;

6. Ý định của bên bị cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu trong việc lựa chọn nhãn hiệu;

7. Bằng chứng về sự nhầm lẫn thực tế;

8. Khả năng mở rộng trong các dòng sản phẩm.

-Huntress-