Những năm gần đây, việc cắt ghép chỉnh sửa nội dung tin tức thời sự đã không còn mới mẻ. Mục đích của các “biên tập viên” này chủ yếu là để đánh bóng tên tuổi, trục lợi cá nhân. Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Các tin tức giả mạo này đã, đang và sẽ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.  Điển hình là vụ việc Huấn hoa hồng cắt ghép video của chương trình “Chuyển động 24h”. Đây là hành vi đáng lên án và cần được ngăn chặn ngay lập tức. 

Huấn “hoa hồng” là ai? 

Huấn “hoa hồng” tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1984, quê quán Yên Bái. Huấn hoa hồng là cái tên đã xuất hiện trên mạng từ lâu. Nhưng chỉ thật sự được chú ý bởi cư dân mạng kể từ năm 2015. Thời điểm đó, Huấn đăng tải những video ăn chơi, khoe xe khoe tiền tỉ, thách thức giang hồ máu mặt… Những video của Huấn thường rất đơn giản, không có đồ họa phức tạp hay tính thẩm mỹ. Tuy nhiên nhờ vào sự hài hước và cách nói chuyện tự nhiên, cái tên Huấn “hoa hồng” đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.  

Nhưng Huấn “hoa hồng” đã đi quá giới hạn của sự hài hước, vui vẻ. Gần đây, Huấn đã đăng tải một video của chương trình chuyển động 24h đã qua cắt ghép, chỉnh sửa cho mục đích cá nhân. 

Diễn biến vụ Huấn “hoa hồng”  

Hiện nay, miền Trung Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt. Nhiều ca sĩ, diễn viên, MC nổi tiếng như Thủy Tiên, Đại Nghĩa, Lý Hải đã kêu gọi đồng bào đóng góp và chuyển tiền từ thiện vào miền Trung.  

Chương trình Chuyển động 24h liên tục cập nhật thông tin cho khán giả về quá trình từ thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng. Cũng như mọi bản tin khác, tối 17/10, đài Truyền hình Việt Nam đã đăng video về việc các nghệ sĩ trao quà tận tay đến những người dân miền Trung trong lũ lụt. Theo luật pháp, video này thuộc hoàn toàn quyền sở hữu của đài truyền hình Việt Nam. Do đó, nó không thể bị xâm phạm dưới mọi hình thức. 

Tuy nhiên, đến ngày 23/10/2020, một tài khoản facebook có tên “Huấn hoa hồng” đã đăng tải lại video của Đài truyền hình trên trang facebook cá nhân. Nhưng video này không chỉ đơn giản là đăng tải lại mà nó đã được chỉnh sửa.  

Trong video giả mạo, hình ảnh Mỹ Tâm đưa quà cho người dân miền Trung đã bị thay thế bằng hình ảnh của Huấn. Thêm vào đó, video còn thể hiện rằng Huấn “hoa hồng” đã có mặt và trao quà tận tay cho những người dân ở Quảng Trị. Cuối video còn được chèn thêm tiểu sử của Huấn. Đồng thời khẳng định rằng Huấn đã có mặt ở Quảng Trị ngày 21/10.  

“Huấn hoa hồng” bị dân mạng lên án 

Tất nhiên, dân mạng Việt Nam không dễ bị lừa. Chỉ 1 ngày sau khi đăng tải (ngày 24/10), dư luận đã nổi sóng nghi ngờ tính chân thực của video. Dân mạng tìm thấy nhiều điểm đáng ngờ ở trong video cắt ghép. Nhân tố thuyết phục nhất chính là lịch sử phạm tội của Huấn.  

Trong quá khứ, Huấn đã từng làm xôn xao dân mạng do việc xuất bản sách “lậu”. Huấn khai nhận rằng nội dung sách là cóp nhặt trên mạng xã hội. Sau đó gắn thêm tên “Nhà xuất bản SG” vào bìa trang sách và đăng bán trên mạng. Vụ án kết thúc với việc Huấn bị xử phạt vi phạm hành chính 17.500.000 đồng. 

Giờ đây, Huấn lại trở nên nổi tiếng với việc cắt ghép video của đài truyền hình Việt Nam. Dưới áp lực của dư luận, Huấn “hoa hồng” đã phải chủ động gỡ bỏ video xuống khỏi tài khoản facebook của mình. Tuy nhiên, vụ việc không dừng lại chỉ với việc gỡ bỏ video.  

Bị pháp luật “sờ gáy” 

Ngày 25-26/10/2020, Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công an đã triệu tập Bùi Xuân Huấn (Tức “Huấn hoa hồng”) để xác minh rõ việc đăng tải video giả mạo làm rối loạn lòng dân và giảm uy tín đài truyền hình Việt Nam. 

Tại buổi làm việc, Huấn khai nhận rằng video cắt ghép của đài truyền hình là do một người bạn trên mạng xã hội gửi cho. Đồng thời Huấn cũng nói rằng trong khoảng thời gian này, anh không trực tiếp điều hành tài khoản facebook. Thay vào đó Huấn giao tài khoản mạng xã hội cho đội ngũ nhân viên quản lý.  

“Huấn hoa hồng” thừa nhận hành vi sai lầm của mình. Ảnh: vtv 

Huấn thừa nhận rằng Huấn đã sai khi không kiểm soát chặt chẽ nội dung đăng tải. Đồng thời Huấn nhận thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của việc này lên xã hội.  

Vi phạm luật SHTT Việt Nam 

Luật sư Phan Vũ Tuấn – Phó Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ TPHCM cho biết: “Hành vi của Huấn đã vi phạm nghiêm trọng Điều 19, Điều 20 và Điều 28 Luật Sở Hữu Trí Tuệ. Cụ thể là về hành vi xuyên tạc, cắt ghép tác phẩm không có sự cho phép của tác giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của tác giả, cùng với chủ sở hữu quyền tác giả – trong vụ này là Đài truyền hình Việt Nam.”  

Một ý kiến khác

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kĩ luật sở hữu trí tuệ, người viết thấy rằng nhận định này chưa hoàn toàn chính xác. Theo khoản 1 Điều 15 Của Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019 Luật Sở hữu trí tuệ, tin tức thời sự thuần túy đưa tin không phải đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Căn cứ điểm a Khoản 3 Điều 17 Luật SHTT (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019), Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam là tác phẩm được bảo hộ quyền liên quan. 

Như vậy, video của Đài truyền hình Việt Nam thuộc phạm vi bảo hộ của quyền liên quan, chứ không phải quyền tác giả. Theo đó, ta phải nhìn hành vi vi phạm của Huấn dưới góc nhìn khác. Ở đây, Huấn “hoa hồng” xâm phạm quyền liên quan. Cụ thể là Điều 35 Luật SHTT (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019). Trong đó, Huấn phạm tội mạo danh tổ chức phát sóng, tự ý sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc và tự ý công bố, sản xuất, phân phối chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng. 

Hình phạt và Biện pháp khắc phục 

Đối với các hành vi xâm phạm quyền liên quan thì tùy từng trường hợp và hành vi xâm phạm mà có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Các hành vi xâm phạm mà chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan mà tự ý thực hiện như trong trường hợp của “Huấn hoa hồng” thì mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP. 

Trường hợp của Huấn “hoa hồng” có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Trong đó, Huấn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trích ghép chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng. 

Đồng thời, Huấn phải dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật (Khoản 3 Điều 34 Nghị định 131/2013/NĐ-CP). 

Ảnh hưởng của vụ việc đối với xã hội 

Không chỉ riêng luật sở hữu trí tuệ, hành vi của Huấn còn vi phạm nhiều luật khác như luật báo chí, luật an ninh mạng, … Hậu quả của vụ việc này là rất nghiêm trọng. Đây không chỉ đơn giản như những vụ việc làm nhái nhãn hiệu, bán hàng giả. Việc giả mạo chương trình phát sóng của đài truyền hình quốc gia mang đến ảnh hưởng lớn cho toàn xã hội.

Vậy nên dân mạng Việt Nam ở thời đại truyền thông phát triển mạnh như bây giờ cần phải chú ý, tìm hiểu kĩ luật pháp. Học thêm về các thủ tục đăng ký sáng chế, thủ tục đăng ký bản quyền, hay luật Sở Hữu Trí Tuệ nói chung để tránh được những vi phạm pháp lí nghiêm trọng có thể xảy đến do sự vô ý của mình. 

-Monster Hunter-