Mới đây, đại học Bách khoa Hà Nội đã lại lần nữa khẳng định vị trí là một trong những đại học top đầu ở Hà Nội nói riêng và trên toàn quốc nói chung bằng cách giành được tổng cộng 63 bằng sáng chế trong vòng 5 năm từ 2016 đến 2021.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn từ 1/1/2016-1/9/2021, các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận được tổng cộng là 63 bằng sáng chế, chiếm giữ vị trí top 1 Ngôi sao sáng chế ở hạng mục chủ sở hữu là viện nghiên cứu, trường đại học.

Chỉ tính riêng trong năm 2021 thì Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận được 11 bằng sáng chế.

Những sáng chế được Đại học Bách khoa Hà Nội cống hiến cho xã hội đều là những sáng chế mang đậm tinh thần đổi mới sáng tạo và tinh thần hàn lâm. Đơn cử có thể kể đến như:

  • Phương pháp chiết xuất dầu gấc trực tiếp từ màng gấc tươi – nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hoàng;
  • Quy trình sản xuất gluco từ bã sắn – nhóm tác giả Tô Kim Anh;
  • Chủng vi khuẩn lactic chịu mặn Tetragenococcus halophilus V7-3 – nhóm tác giả Lê Thanh Hà;
  • Chủng nấm men Pichia pastoris tái tổ hợp sinh tổng hợp Lactoferrin bò và quy trình tạo ra chủng này – nhóm tác giả Trương Quốc Phong.

Các quy trình sản xuất, phương pháp chiết xuất này đều là những giải pháp cực kì gần gũi và hữu ích với người dân Việt Nam, có khả năng giải quyết các bài toán hóc búa trong cuộc sống thường ngày, tối ưu hóa các loại nguyên liệu đời sống và làm gia tăng khả năng phát triển kinh tế cho người dân và xã hội.

Không chỉ vậy, Bách khoa Hà Nội còn có nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ thông tin từ các Viện ITIMS, Trường Cơ khí, Viện Vật lý kỹ thuật, Viện Hóa học,… như:

  • Phương pháp phát hiện thiết bị bị nhiễm mã độc DGA – nhóm tác giả Trần Quang Đức;
  • Buồng trộn, vòi phun hỗn hợp nước – khí nén dùng trong công nghệ dập bụi làm mát – nhóm tác giả Lương Ngọc Lợi;
  • Bộ nguồn hiệu suất cao sử dụng transistor gan fet ứng dụng cho hệ thống đèn led chiếu sáng đường phố/nhà xưởng tích hợp pin quang điện mặt trời và pin nạp – nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Trung;
  • Kênh dẫn sóng plasmon lai tùy biến khoảng cách truyền – nhóm tác giả Chu Mạnh Hoàng;
  • Hệ thống đo bán kính bằng phương pháp quang học – nhóm tác giả Vũ Thanh Tùng;
  • Sản xuất bột màu vàng vô cơ chịu nhiệt từ quặng ilmenit, cromit và antimonit – nhóm tác giả La Thế Vinh;
  • Phương pháp mới tổng hợp micro HKUST-1 có hiệu suất và độ bền nhiệt cao – nhóm tác giả Tạ Ngọc Đôn. 
PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng (thứ 4 từ trái qua) thay mặt Nhà trường nhận giải. Ảnh: NH

Không chỉ giảng viên nghiên cứu khoa học, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã từng gặt hái được nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo, điển hình như lần Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội chế tạo vật liệu siêu nhẹ có khả năng lọc nước nhiễm xăng dầu, hay lần Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng chế áo làm mát cho y bác sĩ tiền tuyến chống dịch Covid-19.