Nếu nhạc của nghệ sĩ được quảng cáo hay sử dụng trong các video trên TikTok, nghệ sĩ đó sẽ được nhận 100% tiền bản quyền trong năm đầu tiên, và 90% cho những năm sau đó.
Ứng dụng đình đám TikTok đã gần đây phát hành hệ thống phân phối âm nhạc đầu tiên của mình, hướng đến hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu mang tên SoundOn. SoundOn hiện đang được ra mắt tại Mỹ, Anh, Brazil và Indonesia, cho phép các nghệ sĩ trực tiếp đăng sản phẩm của mình lên TikTok, cũng như ứng dụng nghe nhạc có sẵn từ công ty mẹ ByteDance mang tên Resso.
TikTok đứng trước bài toán bản quyền âm nhạc không thể phớt lờ
Khi các nền tảng mạng xã hội càng lớn thì càng phải để ý đến vấn đề bản quyền âm nhạc. Vụ kiện của VNG khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, về việc từ trước đến nay TikTok sử dụng âm nhạc có bản quyền như thế nào.
TikTok đã ký hợp đồng bản quyền với 3 nhà phát hành lớn nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc, đó là Universal Music Group, Warner Music Group và Sony Music. TikTok là nền tảng dành cho các clip ngắn lồng ghép nhạc, chưa kể âm thanh từ clip hài, nên bản quyền sẽ là vấn đề trọng điểm trong quá trình phát triển.
Theo tạp chí Billboard, TikTok hiện có hơn 8.000 hợp đồng bản quyền, hầu hết trong số đó được thừa hưởng từ thương vụ mua Musical.ly. ByteDance, công ty sở hữu TikTok, đã mua Musical.ly với giá 800 triệu USD vào năm 2017. Sau đó Musical.ly được hợp nhất với TikTok, tạo nên ứng dụng TikTok trên quy mô toàn cầu như hiện nay.
TikTok hứa trả tiền bản quyền âm nhạc cho nghệ sĩ
nhạc của nghệ sĩ được quảng cáo hay sử dụng trong các video trên TikTok, nghệ sĩ đó sẽ được nhận 100% tiền bản quyền trong năm đầu tiên, và 90% cho những năm sau đó.
TikTok cũng sẽ cung cấp cho các nghệ sĩ thông số dữ liệu về lượt nghe, khách hàng và hỗ trợ trong quá trình quảng cáo sản phẩm. Các nghệ sĩ chỉ cần đăng ký, đồng ý với các điều khoản cơ bản là có thể ngay lập tức đăng tải sản phẩm của mình lên.
“Các nghệ sĩ đang phát triển là một phần thiết yếu của cộng đồng TikTok, và SoundOn được tạo ra nhằm đem đến cho họ một sự thúc đẩy cần thiết trong những bước đầu trên sự nghiệp của họ”. Ông Ole Obermann, Giám đốc Âm nhạc của TikTok phát biểu trong buổi ra mắt.
“TikTok đã trở thành một kênh âm nhạc khổng lồ, và chúng tôi rất hào hứng để khiến quá trình đó được diễn ra chủ động và hiệu quả hơn, đem đến nhiều cơ hội cho các ngôi sao đang đi lên và qua đó phát triển ngành âm nhạc toàn cầu”.
Các nền tảng âm nhạc kỹ thuật số ngày càng phát triển
Vào 2020, ByteDance đã ra mắt Resso, ứng dụng nghe nhạc đầu tiên của họ, trên một số quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Brazil, và đạt được một lượng người dùng đáng kể. Cùng năm đó, họ cũng đã ký với hãng âm nhạc UnitedMasters nhằm phân phối sản phẩm âm nhạc được đăng tải lên TikTok.
Chỉ mới năm ngoái, họ đã phát triển ứng dụng nghe nhạc trong nước mang tên Qishui Yinyue, có thể được dịch là “âm nhạc giải khát”, một phiên bản trung quốc của Resso. Có vẻ như SoundOn là bước tiến chậm rãi và chắc chắn tiếp theo của ByteDance vào thị trường âm nhạc, nhằm tận dụng lượng truy cập và người dùng khổng lồ mà họ đã đạt được.
Hiện nay nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam, đặc biệt ở trong cộng đồng giới trẻ hip hop, đang gặt hái được sự nổi tiếng nhờ vào những bài nhạc được sử dụng trong các nội dung đăng tải trên TikTok.
Sự ra mắt của SoundOn tại Việt Nam trong tương lai cùng hệ thống quảng cáo và cung cấp dữ liệu sẽ chắc chắn trở thành một công cụ quý giá cho những bạn trẻ đang bước chân vào con đường âm nhạc hiện nay.