6 năm về trước, thế giới (hoặc ít nhất là Trung Quốc) đã xôn xao trước thông tin về một học sinh trung học quốc tịch Trung Quốc mới 13 tuổi nhưng đã là chủ sở hữu của một sáng chế có thể nhanh chóng nhận dạng khí ô nhiễm trong môi trường. Sáng chế này đặc biệt hữu ích, nhất là với một quốc gia vốn có tỉ lệ khí thải ô nhiễm cao như Trung Quốc thì sáng chế này lại càng trở nên thiết yếu hơn, từ đó làm nổi bật lên trí tuệ của cậu học sinh 13 tuổi. Tuy nhiên, thực hư của vụ việc này ra sao thì chỉ 6 năm sau công chúng mới có thể biết được.
Lưu Di Dương là một học sinh trung học 13 tuổi. Tuy nhiên, khác với những học sinh khác, chỉ từng này tuổi mà cậu đã có thể là chủ sở hữu sáng chế, tạo ra một thiết bị cao cấp có thể nhận dạng nhanh khí ô nhiễm.
Sau khi sáng chế được công bố, Lưu Di Dương đã nhanh chóng nhận được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Không chỉ là các giải thưởng, cậu còn được một trường trung học trọng điểm ở địa phương nhận là học sinh danh dự.
Tuy nhiên, đến năm 2021, 6 năm sau khi sáng chế được công bố trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia đã mở lại vụ việc và kiểm tra kỹ lưỡng về vấn đề này, bởi lẽ việc một học sinh 13 tuổi lại có thể sáng chế ra một thiết bị như vậy trong khi vẫn dành phần lớn thời gian ở trường học là điều hơi ‘lạ lùng’.
Sau kiểm tra, họ mới nhận ra rằng sáng chế của Lưu Di Dương đơn giản chỉ là một sản phẩm sao chép từ kiểu dáng cho đến cơ chế hoạt động của chiếc máy. Gần như mọi thông tin về sáng chế đều tương tự với một sáng chế năm 2012 của Viện nghiên cứu Hợp Phì thuộc Viện khoa học Trung Quốc. Cuối cùng, cú ‘twist’ không tưởng sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng chính là việc viện phó của viện nghiên cứu – người phụ trách dự án nghiên cứu khoa học này tên là Lưu Kiến Quốc, trùng hợp chính là cha của Lưu Di Dương.
Nhà sáng chế trẻ thiên tài tiếp tục lập kỉ lục
Theo nghiên cứu, không chỉ máy phát hiện khí thải mà 3 năm sau, vào năm 2018, Lưu Di Dương lại tiếp tục cho ra đời hệ thống kiểm tra bằng laser phát hiện người lái xe say rượu – sáng chế được cấp bằng sáng chế quốc gia.
Sáng chế này lại tiếp tục trùng hợp với hệ thống giám sát người say rượu do ông Lưu Kiến Quốc công bố vào năm 2011.
Ai cũng biết rằng chức quan có thể ‘cha truyền con nối’ nhưng không ngờ đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì hiện tượng này cũng có thể xảy ra.
Liệu Lưu Di Dương có phải COCC hay là thiên tài đích thực?
Sau khi vụ việc được truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc, cuối cùng giáo viên hướng dẫn của Lưu Di Dương cũng đã lên tiếng cho biết rằng việc ông Lưu Kiến Quốc tham gia vào quá trình nghiên cứu của Lưu Di Dương là có thật. Tuy nhiên, ông chỉ đóng vai trò cố vấn và qua đó, không thể gọi các sáng chế này là “sao chép” được.
Sau khi nhận được quá nhiều phản hồi rằng ông thật ra chính là người nghiên cứu và chỉ đơn giản là ghi tên con trai ông làm nhà sáng chế để con trai ông có thể có được con đường phát triển thuận lợi hơn, vào ngày 26/10, ông Lưu Kiến Quốc đã trả lời truyền thông rằng: “Đừng chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, mọi người hãy xem sự khác biệt”.
Đến ngày 27/10, Viện Khoa học Hợp Phì cũng đã ban hành một tuyên bố cho biết họ đang tiến hành điều tra sự việc.
Trên thực tế, hiện tượng bố mẹ dùng nhiều cách thức khác nhau để can thiệp, giúp đỡ con trong học tập và thi cử không phải là hiếm. Tuy nhiên, gần đây, việc giúp đỡ, trải đường cho con cái trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay dùng danh nghĩa bản thân để khiến con cái có một chặng đường phát triển tốt hơn cũng dần trở nên phổ biến. Việc giúp đỡ như vậy trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng không phải ngoại lệ.
Cũng ở Trung Quốc, đầu năm nay mạng xã hội cũng xôn xao trước việc ông chủ Huawei dùng danh nghĩa công ty để đăng ký nhãn hiệu hộ cho con gái Diêu An Na của mình và đã phải đích thân lên tiếng xin lỗi toàn thể nhân viên công ty Huawei, cũng như cộng đồng mạng.
Việc mong muốn con cái có một khởi đầu tốt là điều không sai, tuy nhiên cha mẹ nên chỉ giúp sức về mặt tinh thần hoặc cung cấp nguồn vốn để con cái có khởi đầu tốt, có thể tự bước đi chứ không nên giúp con trải đường bằng những phương pháp không chính đáng này.
Bởi lẽ việc giúp đỡ như này không chỉ hại con mà còn hại cả xã hội bởi những đứa trẻ này sẽ không có cả tài lẫn đức để có thể gánh vác những vị trí cao mà cha mẹ chúng đã đặt chúng vào, khiến cho xã hội toàn quan lớn không thực tài, dẫn đến sự tụt lùi của xã hội.