Lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên phát hiện một kho chứa 270 thùng hàng, bên trong có 10.760 sản phẩm mang nhãn hiệu Sin Hair, chủ hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cho biết đang tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các hãng dầu gội và dưỡng tóc không có hóa đơn, chứng từ.

Cụ thể, trong khi làm nhiệm vụ, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và các lực lượng chức năng phát hiện tại nhà của một hộ dân ở thôn Kim Lũ, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một kho chứa 270 thùng hàng, bên trong có 10.760 sản phẩm mang nhãn hiệu Sin Hair như: dầu gội phủ bạc Sin Hair, dầu dưỡng tóc Sin Hair Serum.

Thu giữ hơn 10 nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Hưng Yên

Theo ông Phạm Xuân Tạ, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường  số 3, bước đầu cơ quan chức năng xác định toàn bộ các hàng hóa trên đều có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Chủ hàng khai nhận số sản phẩm này mới được chuyển từ Hà Nội về địa phương để tiêu thụ.

Qua kiểm tra, chủ cơ sở là ông Phạm Xuân Hoàng không cung cấp được những giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ sản phẩm này. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và thu giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh cam kết không tái phạm.

Cục Quản lý thị trường Hưng Yên cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng cao, cũng là thời điểm gian thương hoạt động mạnh. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương đang tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường các mặt hàng như: thực phẩm dịp tết, mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, bia rượu… nhằm kịp thời phát hiện xử lý các hàng hóa thiết yếu có dấu hiệu nhập lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa bị xử lý như nào?

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa liên tiếp bị cơ quan chức năng điều tra, triệt phá. Các đối tượng vi phạm đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi vi phạm này

Hiện nay, pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu

Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000. Tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.

Quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ

Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại điều 214 của Luật sở hữu trí tuệ, theo đó:

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:

  • Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu; phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.
  • Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
  • Buộc tiêu huỷ, phân phối, đưa vào sử dụng (bao gồm cả nguyên liệu, vật liệu và phương tiện sản xuất) không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ. Với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.