Vào ngày 4/4, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 1 máy ép nắp nhựa, hơn 11.200 sản phẩm sạc điện thoại giả cùng với nhiều linh kiện, thiết bị giả mạo nhãn hiệu Samsung tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy Hà Nội.

Bề ngoài là một cửa hàng sửa chữa, bán linh kiện điện thoại bình thường trên đường Lạc Long Quân, nhưng ẩn sâu bên trong, cửa hàng này lại là khu sản xuất sạc điện thoại giả. Đáng chú ý, toàn bộ các loại bo mạch, vỏ sạc, và các loại linh kiện cũ hỏng được thu mua lại hay các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, được thu mua lại để làm giả những chiếc sạc điện thoại chính hãng.

Cơ sở sản xuất sạc điện thoại, ipad giả nhãn hiệu hãng Samsung.

Hà Nội thu giữ hơn 11.200 sạc điện thoại, ipad giả nhãn hiệu hãng Samsung

Tại cơ sở lắp ráp sạc điện thoại giả, những bo mạch của sản phẩm sạc cũ đã hỏng được chủ cửa hàng thu mua lại, lấy linh kiện cũ để lắp ráp, hô biến thành chiếc sạc điện thoại mới. Bằng những dụng cụ thô sơ, đơn giản, chủ cửa hàng đã biến những linh kiện cũ thành hàng chục nghìn sản phẩm sạc điện thoại như mới, chắc chắn những sản phẩm này có nhiều khả năng gây cháy nổ và rất nguy hiểm với người tiêu dùng, thậm chí chúng còn có nguy cơ làm hỏng những thiết bị điện thoại chính hãng đắt tiền.

Sau khi hàn gắn, lắp ráp các loại linh kiện cũ hỏng vào bo mạch sạc để có thể hoạt động được, bo mạch sẽ được lắp vào vỏ sạc mới, tiếp theo cho vào máy ép nắp nhựa kín. Quy trình này khiến cho người tiêu dùng không thể kiểm tra sạc để phát hiện ra mạch điện với các linh kiện được hàn chắp vá, thủ công phía bên trong. Với chỉ 100.000 đồng/kg bo mạch cũ, sau khi làm giả những sạc điện thoại chính hãng, chủ cửa hàng đã kiếm về khoản lợi nhuận đáng kể.

Kiểm tra tại cơ sở lắp ráp sạc điện thoại giả mạo, Đội QLTT đã phát hiện ra hàng chục nghìn bo mạch sạc cũ hỏng chưa được hàn, gắn thêm linh kiện cùng với số lượng lớn vỏ sạc mới được có tem nhãn hiệu Samsung, đáng chú ý, có hàng nghìn chiếc sạc thành phẩm chuẩn bị được bày bán. Các sản phẩm giả mạo này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người sử dụng khi phải mua hàng giả với giá thật, các sản phẩm này còn có khả năng cao cháy nổ, gây hư hỏng cho thiết bị chính hãng khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm giả mạo.

Tại thời điểm lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình bất cứ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến số linh kiện sản xuất sạc dự phòng giả. Đơn vị bị làm giả cũng đã tiến hành kiểm tra và xác nhận toàn bộ số sạc này không phải hàng chính hãng. Lực lượng chức năng đã thu giữ 1 máy ép nắp nhựa, cùng với toàn bộ hơn 11.000 sản phẩm sạc điện thoại giả, và nhiều linh kiện, thiết bị khác để điều tra làm rõ vụ việc.