Thỏa thuận Strasbourg thiết lập hệ thống Phân loại Bằng sáng chế Quốc tế (International Patent Classification – IPC) phân chia sáng chế thành tám mục với khoảng 80.000 mã phân loại. Mỗi nhóm được biểu thị bằng một ký hiệu bao gồm các chữ số Ả Rập và các chữ cái trong bảng chữ cái Latinh.
Các ký hiệu IPC thích hợp được chỉ định trên các tài liệu bằng sáng chế (các đơn đăng ký bằng sáng chế đã được công bố và các bằng sáng chế đã được cấp), trong đó có hơn 2 triệu bằng sáng chế được cấp mỗi năm.
Các ký hiệu thích hợp được ban hành bởi văn phòng sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc cơ quan ban hành tài liệu liên quan đến bằng sáng chế. Các bằng sáng chế từ tất cả các nước ký kết (và từ cả các nước khác) đều được phân loại vào ít nhất một mã phân loại mà sáng chế liên quan và cũng có thể được phân loại sâu hơn để thể hiện chi tiết hơn nội dung.
Đối với các đơn đăng ký sáng chế PCT (Patent Cooperation Treaty), các ký hiệu IPC được phân bổ bởi Cơ quan Tra cứu Quốc tế.
Mặc dù chỉ có 64 Quốc gia là thành viên của Thỏa thuận, IPC được sử dụng bởi các cơ quan cấp bằng sáng chế của hơn 100 Quốc gia, bốn văn phòng khu vực và Ban thư ký của WIPO trong việc quản lý Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) (1970).
IPC liên tục được sửa đổi, cập nhật với phiên bản mới có hiệu lực hàng năm vào ngày 1 tháng 1. Hiện nay, IPC bao gồm 8 mục chính yếu từ A-H là:
A: Nhu cầu thiết yếu của con người
B: Hoạt động, vận chuyển
C: Hoá học, luyện kim
D: Dệt may, giấy
E: Công trình cố định
F: Cơ khí, chiếu sáng, hệ thống sưởi ấm, vũ khí
G: Vật lý
H: Điện lực
Các thứ bậc của Bảng phân loại sáng chế quốc tế cơ bản như sau: Mục – Lớp – Phân lớp – Nhóm chính – Phân nhóm. Theo NOIP, mỗi một sáng chế sẽ được phân nhóm và có chỉ số phân loại sáng chế quốc tế riêng, ví dụ như: A61N1/24 là chỉ số phân loại sáng chế quốc tế đối với “Thắt lưng điện để chữa bệnh nối liền với nguồn điện là dòng điện một chiều được sử dụng bằng các điện cực tiếp xúc”.
Việc sửa đổi IPC được thực hiện bởi Ủy ban chuyên gia IPC được thành lập theo Thỏa thuận. Tất cả các Quốc gia tham gia Thỏa thuận đều là thành viên của Ủy ban Chuyên gia.
Trong 7 phiên bản đầu tiên của IPC, phân loại IPC đã được cập nhật trung bình cứ khoảng 5 năm một lần. Từ phiên bản 8, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, hệ thống phân loại đã được chia thành hai cấp: cấp “căn bản” và cấp “cao cấp”.
Trong đó, cấp “căn bản” được cập nhật trên cơ sở 3 năm một lần. Cấp “cao cấp” cung cấp phân loại chi tiết hơn và được cập nhật thường xuyên hơn khoảng ba tháng một lần.
Thỏa thuận Strasbourg đã tạo ra một Liên minh với một Hội đồng. Mọi quốc gia là thành viên của Liên minh đều là thành viên của Hội đồng. Một trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội đồng là thông qua chương trình và ngân sách hai năm một lần của Liên minh.
Hệ thống IPC được ký kết vào năm 1971 và được sửa đổi vào năm 1979. Hệ thống này dành cho các Quốc gia thành viên của Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp (1883). Văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập phải được lưu chiểu cho Tổng giám đốc WIPO.