Cây lan luôn là một trong những loại cây nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Từ những giấc mơ lan đột biến tiền tỷ đổi đời cho đến những vụ lừa đảo hạt giống hoa lan đột biến tràn lan trên mạng khiến cho cuộc đời của bao người dân Việt Nam thay đổi. Tuy nhiên, đối với anh Lưu Quốc Toàn, những giấc mộng đổi đời đó đều không phải thứ đáng để quan tâm. Với anh, việc tạo nên những chiếc bình trồng hoa lan đặc biệt mới là thứ đáng để đầu tư thời gian và mồ hôi công sức.
Ngành trồng lan tại Việt Nam từ lâu đã tự tạo thành một thị trường riêng biệt giữa các ‘đại gia’ với nhau.
Được biết, ngoài các vụ lan hét giá tiền tỷ không có cơ sở và dễ là lừa đảo đầu cơ ra, các cây hoa lan đột biến cũng có thể được trao đổi mua bán giữa giới lan trong ngành với giá vài chục đến vài trăm triệu không phải là hiếm.
Hiện tại, cây lan số 1 Việt Nam được đông đảo giới nuôi trồng lan nhận định là Phan Trí (lan Kiếm) với chiều dài 5cm, giá dao động khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra còn có cây Xanh Huế (lan Kiếm) dao động 100 triệu đồng/thân, các cây Vị Hoàng Nam Định (lan Kiếm vàng) hay Vàng Tây Ninh (lan Kiếm vàng) 10 – 15 triệu đồng/cây,…
Để tạo nên các cây lan với giá tiền triệu này, bình trồng lan là một yếu tố quan trọng không thể nào bỏ qua. Việc tạo nên các bình trồng lan không phải đơn giản. Người chế bình cần phải dành nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để tạo nên các cái bình có thể khiến cây lan phát triển, ra hoa dễ dàng mà không mất nhiều công chăm sóc.
Anh Lưu Quốc Toàn chính là một trong những nghệ nhân tạo bình trồng lan nổi tiếng ở Việt Nam.
Nghệ nhân ‘trồng’ bình trồng lan
Vốn có công việc ổn định trong ngành ngân hàng, đam mê đã dẫn dắt anh Lưu Quốc Toàn đến với nghiệp chế bình trồng lan và đạt được thành công như ngày hôm nay.
Thậm chí, trong quá trình khởi nghiệp, anh còn phải giấu vợ và vẫn tiếp tục nghiên cứu mặc dù bị nhiều lần quở trách là lãng phí tiền bạc và công sức vào những chiếc bình.
Tuy nhiên, kiên trì theo đuổi đam mê đã dẫn bước anh Toàn tiếp tục tiến lên với chiếc bình trồng lan thủy canh. Theo anh Toàn, để cây lan có thể sinh sống, chiếc bình trồng lan phải giúp phần rễ tiếp nước vừa phải có độ hở để rễ có thể thở.
Theo đó, sáng đi làm ngân hàng, tối đến anh lại về nhà cúi đầu vào Internet để nghiên cứu câu trả lời cho bài toán trên.
Những bình trồng lan thông thường hiện nay có nhược điểm lớn là không thể giữ được nước, buộc người trồng phải đích thân ra tưới nước mỗi ngày. Ngoài ra, khi bón phân cho lan, một số loại có gốc muối sẽ bám vào làm không hút được chất dinh dưỡng, nên không phát triển được. Điều này khiến người trồng thường mất nhiều thời gian xả muối ở rễ, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.
Các nhược điểm này có thể không dễ nhận thấy đối với việc trồng lan riêng lẻ và đối với người chủ trồng lan có nhiều đam mê cũng như thời gian để chăm sóc tỉ mỉ từng cây lan, tuy nhiên, đối với việc sản xuất lan trên quy mô lớn với nguồn lực hạn chế thì các nhược điểm này sẽ rất dễ biểu hiện ra.

Để giải quyết vấn đề này, anh Toàn đã bỏ một số tiền lớn để mua các loại bình thủy tinh về, hòng nghiên cứu ra giải pháp để có thể trồng các loại lan chất lượng cao trên quy mô lớn mà lại có hiệu quả kinh tế.
Cuối cùng, sau 3 năm tìm hiểu, anh Lưu Quốc Toàn đã nghiên cứu sáng chế ra chiếc bình trồng lan bán thủy canh với hai bộ phận bình chứa bên ngoài và giỏ chứa bên trong. Chiếc bình giúp người trồng theo dõi tình trạng phát triển của lan, mức nước trong bình, khống chế mức nước cao nhất cần thiết cho cây, tiết kiệm thời gian và công đoạn chăm sóc, giúp lan phát triển ổn định, không có hiện tượng bị úng nước.
Bình trồng lan của anh Toàn có hình trụ, thân bình đục lỗ ở vị trí sao cho mức nước cao nhất trong bình chỉ ngập ¼ chậu trồng lan.
Đến hiện tại, những chiếc bình của anh Toàn đã có mặt trên khắp mảnh đất Việt với hơn 50 nghìn bộ bình bán ra mỗi năm, thu về một khoản thu nhập không tưởng đối với người nhân viên ngân hàng nảy sinh đam mê nghiên cứu bình lan này.
Sản phẩm bình trồng lan bán thủy canh của anh Lưu Quốc Toàn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002850, công bố ngày 25/3/2022.
(Theo Báo Khoa học và Phát triển)