Khi góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đã có ý kiến đóng góp về vấn đề: Cần bảo vệ cho quyền nhân thân của tác giả và sự toàn vẹn của tác phẩm.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ dung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại phiên họp chiều ngày 26/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” tại khoản 4, Điều 1 dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 19 (hiến định Quyền nhân thân).

Đồng thời bổ sung cụm từ “khi chưa được tác giả cho phép” và viết lại khoản 4, Điều 1 dự thảo như sau: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được tác giả cho phép” cho chặt chẽ, để tránh tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật sau này.

ĐBQH Dương Văn Phương nêu rõ: “Sự toàn vẹn của tác phẩm gắn với quyền nhân thân là yếu tố mà pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn đề cao bảo vệ. Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo vệ tuyệt đối có quyền nhân thân của tác giả, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và không ai có quyền xâm phạm khi chưa được tác giả cho phép. Với quy định về quyền nhân thân như dự thảo hiện nay, các tổ chức, cá nhân có thể sửa đổi các sáng tác phẩm miễn là không phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Nếu quy định như vậy sẽ làm mất đi vai trò, hạn chế quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình, đồng thời tạo ra sự tùy tiện cho việc xâm hại quyền nhân thân của tác giả. Vì các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể tác động vào tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả, miễn là không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả”. 

“Việc quy định phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là một quy định rất khó xác định, đánh giá trên thực tế vì giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan và quan điểm riêng của tác giả. Tiêu chí nào để xác định là phương hại hay không phương hại và phương hại đến mức độ nào thật ra rất khó xác định trên thực tế. Về vấn đề này, tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22 năm 2018 của Chính phủ cũng đã hướng dẫn chi tiết quy định về Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rất rõ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa các tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa các tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính, trừ trường hợp có thỏa thuận của tác giả. 

Có thể nói, quy định này là chặt chẽ hơn quy định của pháp luật và nó tuyệt đối hóa quyền nhân thân của tác giả theo hướng mọi hành vi sửa chữa các tác phẩm hoặc là sửa chữa mà không có sự thỏa thuận của tác giả đều là vi phạm quyền nhân thân. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung nội dung trên để đảm bảo quyền nhân thân của tác giả trong dự thảo luật lần này”.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, yêu cầu đặt ra của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phải kế thừa được các giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng. Bên cạnh dó, khuyến khích được tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả 

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) bày tỏ quan điểm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ từ điểm cầu Nhà Quốc hội rằng, Khoản 10 và Khoản 16, Điều 1 dự thảo Luật thể hiện chính sách về trường hợp giới hạn bản quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, bảo đảm không vi phạm quyền tinh thần của tác giả và quyền của tác giả được nhận thù lao phù hợp do cơ quan có thẩm quyền quy định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được. Chính sách này nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh khai thác, phổ biến tác phẩm, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của công chúng. Đồng thời bảo đảm quyền hưởng thù lao phù hợp của chủ sở hữu quyền tác giả. 

Thực tiễn thực hiện Điều 26 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được tiền bản quyền có vướng mắc. Dự thảo Luật quy định thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật nếu chủ sở hữu quyền tác giả với bên sử dụng không thỏa thuận được tiền bản quyền. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định về nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu Tú nêu rõ rằng, nội dung này không thuộc trường hợp “hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” quy định tại Điều 19 Luật Giá. Chính vì vậy, ông đề nghị cần thiết xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giá hoặc thực hiện quy định tại khoản 4, Điều 19 Luật Giá: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và để có cơ sở thực hiện quy định này.

Về quyền đăng ký, sáng chế kiểu dáng công nghiệp thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu tỉnh Kiên Giang nhất trí với phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì; tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Theo quan điểm của ông thì quy định này góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 20 – NQ/TW ngày 1.11.2012 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI: “Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ…”

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Cần bảo vệ cho quyền nhân thân của tác giả và sự toàn vẹn của tác phẩm (Ảnh: sohuutritue.net.vn)

Bên cạnh đó, đại biểu Tú cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa cụ thể hơn nội dung “… có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả; nghiên cứu mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với giống cây trồng như Nghị quyết số 20 – NQ/TW đã quy định. Trong Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về dự kiến tiếp thu, giải trình cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu ý kiến nghiên cứu để đề xuất tiếp thu.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần luận giải rõ hơn việc không áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với một số đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan. Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng “… nguy cơ tác phẩm, chương trình bị sửa đổi, lồng ghép, biến tấu, thay đổi nội dung, có thể ảnh hưởng đến định hướng của Nhà nước”. Các hành vi này là hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, vi phạm pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền, với chức năng quản lý nhà nước, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự; không phụ thuộc vào việc có áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì hay không.

Chính phủ đưa ra 2 Phương án về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Phương án 1, các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu Tú đề nghị nên xem xét, lựa chọn Phương án 2.