Việt Nam là một nước nông nghiệp. Sản phẩm chủ yếu được Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác chính là các loại thực phẩm được trồng trên đồng ruộng. Qua đó, một sáng chế cày tay mới đây được ông Nguyễn Văn Đức (61 tuổi) làm nghề nông ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh tạo nên sẽ có bước đột phá với ngành nông của Việt Nam, góp phần cải thiện và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Sáng chế này có độ hiệu quả cao đến mức mà nó đã được xuất khẩu sang Mỹ – một thị trường nổi tiếng khó tính với mọi sản phẩm nhập khẩu.
Khác với những chiếc cày sử dụng sức kéo trâu bò cũ kĩ vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại, thương hiệu “Cày tay chú Năm” dựa trên ý tưởng từ những chiếc cày cũ đã được ông Nguyễn Văn Đức sáng chế nên.
Theo ông Đức, chiếc này này có thể giúp cho người nông dân ‘đối phó’ với những mảnh đất có diện tích chật hẹp khi mà những chiếc máy cày lớn không thể vào được. Đồng thời, công suất được cải thiện với chiếc lưỡi sắc bén cũng có thể giúp người nông dân trong đủ loại công vụ, bất kể là làm hàng, xới đất, vun gốc hoa màu,…
Sáng chế cày tay
Kích thước chiếc cày của ông Đức có độ dài khoảng 55 cm, rộng 20 cm, cao 30 cm, có cấu tạo gồm 3 phần chính: Cần cày làm bằng thép hàm lượng carbon cao, rỗng ruột, đường kính dày 3 mm. Một đầu cần được hàn gắn vào lưỡi cày, một đầu dùng để tra cán giúp người dùng điều khiển khi sử dụng. Lưỡi cày hình dáng uốn cong tương tự lưỡi cày thông thường, có thể sử dụng hơn 10 năm. Mũi cày có độ nhọn và sử dụng được 1,5 năm, sau đó phải thay thế để đạt hiệu quả tốt nhất.
Chiếc cày này được thiết kế để xử lý các loại đất đặc trưng ở các vùng nông nghiệp ở Tây Nguyên, miền Bắc và các đồng bằng với dạng đất thịt có độ xốp, đất cát, pha cát,…
Tuy nhiên, chiếc cày này lại khó sử dụng với loại đất sét, đất thịt cứng, đất nhiều sỏi đá vốn cũng là một khó khăn cho các loại cày tay khác.
Đăng ký cấp văn bằng bảo hộ sáng chế
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo hộ quyền lợi của mình, gia đình ông Đức đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho chiếc cày tay này.
Cuối năm 2020, anh Nguyễn Tấn Thi, con trai ông Đức đã gửi đơn đăng ký sáng chế đến Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) để xác lập và bảo hộ quyền đối với sáng chế của ông Đức.
Tháng 6 năm 2021, Văn Phòng Mỹ đã gửi thông báo chấp nhận đơn. Hiện, sản phẩm bán hơn 1.000 chiếc tại thị trường này thông qua các kênh thương mại điện tử với giá khoảng 100 USD mỗi chiếc. Tại thị trường trong nước, sản phẩm có giá khoảng 600 nghìn đồng, rẻ gần 4 lần so với sản phẩm bán tại Mỹ.
Điều đặc biệt hơn cả là dù thông tin về sáng chế được công bố công khai, các bên khác muốn sử dụng thông tin đó để sao chép, tự thiết kế lại vì mục đích cá nhân hay thương mại cũng rất khó bởi lẽ theo anh Thi: “Mặc dù nhiều người sao chép hình dáng sản phẩm, làm chiếc cày tương tự nhưng khi đưa vào sử dụng không được vì không đạt các yêu cầu về thiết kế.”