Phát minh và sáng chế hiện tại là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn trong xã hội ngày nay, với từ ‘phát minh’ được biết đến phổ biến hơn trong cuộc sống thường ngày. Thuật ngữ sáng chế là thuật ngữ chuyên ngành gần như chỉ được biết đến trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Vậy, sự khác biệt giữa chúng là gì?
Phát Minh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH 2022 Luật Sở hữu trí tuệ, Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học là một trong các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.
Tuy nhiên, Văn bản hợp nhất số 11 không có quy định chi tiết nào khác diễn giải sự khác biệt giữa phát minh và sáng chế.
Trên thực tế, phát minh theo đúng tên gọi của nó là sự ‘phát hiện’ ra một hiện tượng hoặc một quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới, làm ‘minh bạch’ nó cho xã hội và những con người khác ở trong xã hội đó.
Một phát minh là sự tìm ra những thứ đã có sẵn trong tự nhiên, điển hình như Trọng lực hay lực đẩy Acsimet. Các luật của tự nhiên này đã tồn tại từ khi vũ trụ hình thành, có con người hay không thì nó vẫn tồn tại, nhà phát minh chỉ là người khám phá ra định luật của nó và nâng cao trình độ nhận thức của con người về vũ trụ xung quanh.
Các phát minh này sẽ là cơ sở để con người sử dụng, nâng cao trình độ dân trí hoặc khoa học kỹ thuật. Nếu từ thời xa xưa đã có luật sở hữu trí tuệ thì các nguyên lý cơ bản như lửa, ánh sáng, gió, sấm sét,… đều có thể được coi là phát minh.
Về hình thức bảo hộ, phát minh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, không được bảo hộ về nội dung mà chỉ được bảo hộ hình thức. Điều này nghĩa là dù nhà phát minh là ai, họ cũng không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng phát minh đó.
Điều này dễ hiểu bởi lẽ khi Newton phát minh ra trọng lực, ông làm sao có quyền ngăn cấm trọng lực tác động lên những con người khác.
Sáng chế
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế không tồn tại sẵn có trong tự nhiên mà phải nhờ quá trình đầu tư về tài chính, nhân lực của một người hoặc một tổ chức mới tạo ra sản phẩm có khả năng áp dụng trực tiếp vào sản xuất và đời sống.
Một sáng chế điển hình là các loại công nghệ liên quan đến điện thoại di động rất phổ biến trong đời sống thường ngày hay thuốc nổ Dynamite của Alfred Nobel.
Về hình thức bảo hộ, sáng chế là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và được bảo hộ độc quyền về nội dung. Sáng chế phải đáp ứng điều kiện bảo hộ về tính mới (so với thế giới chứ không chỉ tại Việt Nam), trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.