Vụ tranh chấp bản quyền giữa Peppa Pig và Wolfoo đã kéo dài được nhiều năm, với vô số tình tiết mới giữa hai bên. Từ bên bảo vệ quyền lợi (bị đơn) cho đến kiện để bảo vệ quyền lợi (nguyên đơn), Wolfoo Việt Nam thuộc sở hữu của Sconnect đã trải qua đủ trong vô số tòa án quốc tế, điển hình như tại Việt Nam và Nga. Mới đây, Sconnect đã lại phải hứng chịu một đòn nghiêm trọng sau gần nửa năm im hơi lặng tiếng khi công ty này bị xóa xấp xỉ 3000 video trên Youtube liên quan đến nhân vật hoạt hình Wolfoo, đến từ yêu cầu của Entertainment One – công ty sở hữu nhân vật Peppa Pig ở Anh.
Vụ tranh chấp giữa hai bên bắt nguồn vào khoảng cuối năm 2021 khi tháng 11 năm đó, Entertainment One đã báo cáo với YouTube thông qua công cụ Content ID mà người Việt Nam thông dụng gọi là ‘công cụ đánh gậy bản quyền’.
Content ID là hệ thống kỹ thuật dùng để đánh dấu bản quyền. Nó sử dụng công nghệ có thể xác nhận được hình ảnh, âm thanh và so sánh những nội dung mà chủ sở hữu đăng ký bản quyền Youtube với nội dung được đăng tải lên Youtube.
Nếu trùng khớp với các video được đăng ký bản quyền thì video đó sẽ bị đánh gậy bản quyền. Theo đó, khi bất kỳ một video nào được đăng tải lên Youtube, video sẽ được quét đối chiếu với cơ sở dữ liệu mà chủ sở hữu nội dung đã gửi cho hệ thống trước đó.
Được biết, hệ thống Content ID của Youtube là độc lập với hệ thống quyền tác giả, quyền liên quan chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như các cơ sở dữ liệu về quyền tác giả quốc tế khác. Chính vì vậy mà dù có thể một bên đã sở hữu quyền tác giả đối với một nhân vật, logo thì nhân vật đó vẫn có thể bị đánh gậy bản quyền theo hệ thống Content ID của Youtube.
Đó chính là điều đã xảy ra đối với Wolfoo của Sconnect trong nhiều năm qua khi liên tục bị Entertainment One (chủ sở hữu Peppa Pig) đánh gậy bản quyền trên Youtube dẫn đến việc nền tảng video số 1 thế giới này gỡ các video có nội dung, hình ảnh Wolfoo xuống.
Trước đó, Sconnect đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với “Hình thức thể hiện nhân vật hoạt hình Wolfoo” và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 255/2019/QTG ngày 14 tháng 1 năm 2019. Ngày 6 tháng 1 năm 2021, Sconnect đã được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả số 1-422-930 đối với nhóm tác phẩm chưa công bố, trong đó có hình ảnh nhân vật Wolfoo gắn liền với tên gọi Wolfoo.
Ngoài ra, Sconnect cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu “Wolfoo, hình” vào ngày 22 tháng 3 năm 2021 tại thị trường Hoa Kỳ và theo sau đó là nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan khác tại nhiều thị trường quốc tế. Tính đến thời điểm đầu tháng 6 năm 2022, Sconnect đã tiến hành nhiều thủ tục để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Wolfoo, hình” tại EU và Nga.
Tháng 8 năm 2022, Sconnect cho biết rằng họ đã nhận thức được việc EO nhận là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo cùng nhiều video phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube. Công ty sản xuất hoạt hình Việt Nam tìm hiểu ra rằng EO đã tiến hành ‘đánh gậy bản quyền’ đối với các video của Wolfoo, khiến các video của họ bị gỡ bỏ, gây nên thiệt hại nghiêm trọng khi các video này là một trong các nguồn thu chính của công ty.
Một lập luận đáng chú ý của EO khi làm việc với các bên liên quan đến vụ tranh chấp là khi các bên sử dụng dịch vụ của YouTube tức là họ đã đồng ý với điều khoản của nền tảng. Theo đó, từ góc nhìn của EO, họ đã thực hiện quyền của mình khi tham gia vào nền tảng của Youtube và việc Youtube đánh gậy bản quyền, gỡ các video của Sconnect là minh chứng xác đáng cho việc họ thực hiện các yêu cầu hợp lí.
EO khẳng định: “Hành động của YouTube cho thấy chúng tôi đã khiếu nại đúng quy định.”
Không chỉ thiệt hại thực tế, việc bị đánh gậy bản quyền cũng làm giảm uy tín của Sconnect, Wolfoo Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế – điều mà khó đong đếm được bằng tiền.
Sconnect kiện eOne (EO) tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 2022 về việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (phiên bản 2019). Theo đó, Sconnect Việt Nam – nguyên đơn đề nghị tòa xem xét đưa ra phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.
Tiếp đó, Sconnect tiếp tục gửi đơn khởi kiện eOne lên TAND TP Hà Nội vụ án thứ 2. Sconnect kiện eOne vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo; yêu cầu eOne chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại.
Song song với các vụ kiện tại Việt Nam, trong một vụ kiện quốc tế tại Nga nơi Sconnect là bị đơn, Hội đồng chuyên gia văn hóa, nghệ thuật của Nga đã đưa ra kết luận “Bộ nhân vật Wolfoo là sự sáng tạo độc lập hoàn toàn và không phải là sản phẩm làm lại, phái sinh của Bộ nhân vật Peppa Pig” sau khi phân tích so sánh về bộ nhân vật Wolfoo và bộ nhân vật Peppa Pig của 2 bên.
Kết quả này khẳng định Wolfoo là sản phẩm sở hữu trí tuệ độc lập cả về mặt khoa học, kỹ thuật sáng tạo cho đến giá trị pháp lý. Phán quyết của Tòa án Nga cho ra kết luận rằng Wolfoo không phải tác phẩm xâm phạm, đạo nhái sản phẩm Peppa Pig. Tuy nhiên, kết luận này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của một số yêu cầu, lập luận của Sconnect như việc tố Peppa Pig mới chính là sản phẩm đạo nhái Wolfoo.
Sau vụ kiện và một số diễn biến khác, YouTube đã xem xét lại và khôi phục nhiều video và kênh Wolfoo khi EO chủ động rút vài đơn kiện và ngừng thực hiện các yêu cầu trên Content ID. Tuy nhiên, có vẻ như đây không là sự kết thúc của vụ việc.
Diễn biến mới quý 3 năm 2023
Vài tháng gần đây, người xem các chuỗi phim hoạt hình của nhân vật Wolfoo trên nền tảng Youtube đã bàng hoàng khi liên tục không nhìn thấy một số video của nền tảng này sau một thời gian dài không có diễn biến mới phát sinh.
Sau tìm hiểu, phía Wolfoo cho biết rằng đã có xấp xỉ 3000 video của họ bị xóa trong đợt càn quét bản quyền lần này của Youtube, trải rộng trên nhiều kênh khác nhau lập nên bởi Sconnect. Sconnect cho biết rằng hành vi xóa các video của họ bởi Youtube được thực hiện trái luật, tổng thiệt hại cho toàn thể các video của Sconnect bị xóa đi lên đến hàng tỷ lượt xem.
Tưởng rằng các vụ tranh chấp giữa hai bên đã được tạm dừng sau khi Tòa án Nga đưa ra phán quyết có lợi cho Wolfoo, song như đã ghi chú ở trên, vấn đề về quyền tác giả trên nền tảng Youtube và quyền tác giả tại các Tòa án có sự liên hệ song lại có thể nói là không có sự tương quan rõ rệt.
Điển hình, sau phán quyết đó, EO đã tiếp tục làm việc mật thiết hơn với Youtube, báo cáo thông qua hệ thống Content ID rằng các video của Wolfoo là hành vi sao chép sản phẩm Peppa Pig của họ. Các vụ báo cáo mới nhất trong năm 2023 được ghi nhận bắt đầu từ tháng 4, kéo dài đến hiện tại.
Tháng 7, ngoài báo cáo về hình ảnh, EO tiếp tục bổ sung việc Wolfoo có thể vi phạm bản quyền âm thanh của họ, thể hiện qua các câu cảm thán như “oh”, “wow”, “hmm” kéo dài khoảng một giây mỗi video.
Youtube đã ghi nhận các báo cáo này và có thể vì dựa trên uy tín và danh tiếng của Entertainment One mà họ đã tiếp tục thực hiện việc gỡ bỏ các video sau vụ bê bối năm ngoái và nhiều đơn khiếu nại của Sconnect. Hoặc, cũng có thể là không có ai điều hành mà việc gỡ bỏ thuần túy dựa vào con AI tạo nên bởi Youtube.
Nếu việc thực diện đánh giá bản quyền được điều hành hoàn toàn bởi AI thì liệu điều đó có nghĩa rằng ai đăng ký bản quyền với Content ID sớm hơn thì bên đó sẽ có toàn quyền quyết định với các nội dung tương tự khác được đăng muộn hơn trên Youtube?
Không chỉ đợt đánh bản quyền năm 2022 mà trong năm nay, cả EO và Youtube đều không xuất trình bằng chứng rõ ràng nào thể hiện lí do họ thực hiện việc gỡ bỏ các video. Nếu xét đến các âm thanh mới được bổ sung trong vụ tranh chấp thì các câu từ cảm thán đó đều là những ngôn từ thông dụng thường ngày, mang tính chung (general) nên đáng ra không thể được xem xét để đánh bản quyền.
Sconnect đã gửi những lập luận này đến Youtube nhưng đều không nhận được phản hồi, trong khi các thiệt hại vẫn được ghi nhận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty truyền thông Việt này.
Ngoài làm việc với Youtube, Sconnect cũng đã gửi đơn đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan gồm Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bên đóng vai trò trung gian trong việc trao đổi với Google và YouTube liên quan đến việc đánh gậy bản quyền các sản phẩm của Sconnect trên nền tảng Youtube.
Cụ thể, các đơn yêu cầu có nội dung yêu cầu hỗ trợ “ngừng chấp thuận yêu cầu đánh bản quyền video Wolfoo thiếu căn cứ từ phía EO”. Hiện, YouTube và EO đều chưa đưa ra bình luận về sự việc lần này.
Việc Youtube tiếp tục đánh bản quyền các video của Sconnect theo yêu cầu bổ sung của EO cho thấy rằng nền tảng này có một hệ thống chưa chặt chẽ, không quản lý sát sao các hành động của mình, dựa trên các quyết định từ quá khứ. Theo đánh giá của người viết, hiện Youtube đang phụ thuộc quá nhiều vào thuật toán của AI liên quan đến Content ID, bản quyền tác giả của các nội dung tranh chấp trên Youtube.
Việc sử dụng AI là hợp lí nhưng hiện nay, có thể thấy rằng việc sử dụng AI của Youtube không có sự giám sát và bổ sung các cơ chế theo như yêu cầu của không chỉ Sconnect mà còn của nhiều nhà sáng tạo nội dung khác trên nền tảng này, điển hình như cơ chế thông báo, giải thích cho bên bị yêu cầu gỡ video trước khi tiến hành gỡ video.
Nếu các vụ việc tương tự tiếp diễn với khối lượng lớn, nhiều khả năng Youtube sẽ bị các nhà sáng tạo nội dung hợp pháp tẩy chay khi các thành quả, nỗ lực nhiều năm của họ đơn giản bị xóa mà không nhận được thông báo, giải thích hợp lí nào.