Khoác trên mình bộ vest xám với mái tóc bóng bẩy, kỹ sư tên lửa Wernher von Braun xuất hiện lịch lãm với tư cách là khách mời trên chương trình truyền hình đặc biệt của Disney vào năm 1955 – Man and the Moon. Với giọng nói đậm chất Đức, giám đốc phát triển của Cơ quan Tên lửa Đạn đạo Lục quân Hoa Kỳ, đã sử dụng một loạt mô hình và hình minh họa để giải thích cách phi hành gia Mỹ sẽ đặt chân lên mặt trăng, với sự hỗ trợ của một trạm không gian khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hoa Kỳ sau đó cũng đã thành công đặt lá cờ của mình lên trên bề mặt của mặt trăng. Trong suốt Cuộc chạy đua Không gian trong thời kỳ chiến tranh lạnh, von Braun, một nhà khoa học Đức được Hoa Kỳ chiêu mộ vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II, đã trở thành kiến trúc sư chính và gương mặt biểu tượng trong chiến dịch không gian của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình trong thời Chiến tranh Lạnh về von Braun đã bỏ qua những chi tiết đen tối trong quá khứ của ông: trước khi ông xây dựng dự án tên lửa cho Hoa Kỳ, ông đã xây dựng chúng cho Hitler. Theo đó, Đức đã phóng hơn 3.000 quả tên lửa do von Braun thiết kế chống lại Anh và các quốc gia khác, giết chết khoảng 5.000 người, trong khi có tới 20.000 tù nhân tại các trại tập trung chết khi lắp ráp những quả tên lửa của von Braun.

Trong những năm sau khi Cuộc chạy đua Không gian kết thúc, nhiều người đã bắt đầu đánh giá lại di sản của von Braun. Một số người cho rằng thời gian ông làm việc cho Đức Quốc Xã là do bị ép buộc, nhưng cũng có những người đi xa hơn khi coi ông là tội phạm chiến tranh, hoặc gần như vậy. Von Braun qua đời năm 1977 và không để lại lời giải thích nào. Nhưng hơn 50 năm sau ngày hạ cánh của tàu Apollo 11 — một kỳ tích khó có thể xảy ra nếu không có những đóng góp của von Braun — hình ảnh của ông, như một anh hùng thời Chiến tranh Lạnh hay một nhà khoa học Đức Quốc Xã xấu xa đã được tẩy trắng, vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.

Nhìn lại cuộc đời của cha đẻ của chương trình đi đến mặt trăng của Mỹ, có rất ít câu trả lời về con người thật của ông. Sinh ra trong một gia đình quý tộc Phổ, Wernher von Braun sớm bị ám ảnh bởi du hành vũ trụ, và đã nghiên cứu các lĩnh vực như vật lý và toán học để nắm bắt các nguyên tắc cơ bản của tên lửa. Khi còn trẻ, ông đã phóng những chiếc tên lửa thô sơ với những người cùng đam mê tại một bãi đạn bỏ hoang ở ngoại ô Berlin. Các thí nghiệm và sự lãnh đạo của von Braun đã thu hút sự quan tâm của quân đội Đức. Năm 1932, thiên tài 20 tuổi này trở thành chuyên gia dân sự hàng đầu tại trạm tên lửa Kummersdorf của quân đội Đức, phía nam Berlin. Đến năm 1935, nhóm của von Braun đã thành công trong việc phóng hai tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, một công nghệ sơ khai vào thời điểm đó đã trở thành nền tảng cho các chuyến bay vũ trụ hiện đại. Cơ sở này sau đó được chuyển đến một địa điểm mới trên bờ biển Baltic.

Với sự bắt đầu của Thế chiến II vào năm 1939, von Braun phải chịu áp lực ngày càng lớn với việc sản xuất vũ khí quân sự thực chiến, nhưng ông đã làm được. Năm 1942, nhóm của ông đã thử nghiệm thành công tên lửa A-4, phóng vũ khí này lên gần 60 dặm vào khí quyển. Cuộc thử nghiệm này đã thu hút sự chú ý của Hitler, và Đệ tam Đế chế đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại tên lửa này với lực lượng lao động từ các trại tập trung. (Dự án này cũng thu hút sự quan tâm của Lực lượng Schutzstaffel (SS) của Heinrich Himmler, tổ chức đã giam giữ von Braun một thời gian ngắn với nỗ lực tiếp quản chương trình.) Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi những quả tên lửa của von Braun bắt đầu rơi xuống London, Đức Quốc Xã đã đặt cho chúng một cái tên mới: Vũ khí báo thù số hai, hoặc V-2, với mục đích trả thù các vụ ném bom của phe Đồng minh vào các thành phố Đức.

V-2 là một loại vũ khí đặc biệt đáng sợ. Tên lửa V-2 di chuyển nhanh đến mức những nạn nhân, hầu hết là dân thường, thường không nghe thấy gì cho đến khi chúng phát nổ. Về phần mình, von Braun, dường như chỉ quan tâm đến du hành vũ trụ, đã nhận xét rằng tên lửa của ông hoạt động hoàn hảo, ngoại trừ việc hạ cánh xuống sai hành tinh. Nhưng cho dù V-2 đáng sợ đến đâu, vũ khí này cũng không có tác động chiến lược cụ thể và không thể xoay chuyển cuộc chiến theo chiều hướng có lợi cho Đức. Khi quân Đồng minh tiến vào trung tâm nước Đức, von Braun và nhóm kỹ sư của ông đã đi về phía nam để đầu hàng người Mỹ, thay vì lựa chọn đầu hàng lực lượng Hồng quân Liên Xô.

Von Braun là một trong 120 nhà khoa học Đức, làm việc trong một dự án bí mật của Hoa Kỳ có tên gọi là Operation Paperclip với mục đích phát triển công nghệ quân sự. Thay vì phải chịu trách nhiệm cho những tội ác chiến tranh như những nhân vật quan trọng của Đức Quốc Xã, họ đã được trao cho cuộc sống mới. Trong khi đó, Liên Xô cũng đã sử dụng nhiều nhà khoa học Đức để phát triển công nghệ, bắt đầu chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh Lạnh.

Khi đã ổn định tại Hoa Kỳ, sự nghiệp của von Braun bắt đầu thăng tiến liên tục, phần lớn nhờ vào cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Xô và Cuộc chạy đua Không gian. Đến năm 1953, nhóm của ông đã phát triển tên lửa đạn đạo đầu tiên của Mỹ, Redstone, có thể mang đầu đạn hạt nhân đi xa 250 dặm. Jupiter-C, phiên bản cải tiến của Redstone, đã phóng vệ tinh đầu tiên của Hoa Kỳ, Explorer 1, vào năm 1958 — một năm sau khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên, Sputnik 1. Trang bìa TIME của von Braun xuất hiện vào năm 1958, với hình ảnh điềm tĩnh, lịch lãm của ông được đặt trên ngọn lửa của chiếc tên lửa. Von Braun sau đó trở thành giám đốc Trung tâm Chuyến Bay Vũ trụ Marshall của NASA và phát triển tên lửa khổng lồ Saturn V, chiếc tên lửa hơn 50 năm trước đã đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên mặt trăng.

Von Braun luôn vui vẻ, cuốn hút trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho những người đam mê vũ trụ tại Mỹ: một kỹ sư, người nổi tiếng và nhà quản lý xuất sắc đã hứa với nước Mỹ về mặt trăng và ông đã thực hiện được điều đó, qua đó đánh bại Liên Xô, đối thủ chính của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Mặc dù vậy, quá khứ của ông vẫn không thể bị che giấu. Tờ TIME đã lưu ý vào năm 1958 rằng, đối với một số người, lòng trung thành của von Braun với Đức Quốc Xã đã chuyển sang Hoa Kỳ một cách quá nhanh, quá dễ dàng.

Nhiều người đã nghiên cứu khoảng thời gian hợp tác của von Braun với chế độ Đức Quốc Xã, và von Braun đã từng có những lời phàn nàn với lãnh đạo Đức Quốc Xã, về công việc hoặc điều kiện để chế tạo những chiếc tên lửa của ông sẽ rất nguy hiểm. Nhiều người cũng cũng lập luận rằng việc von Braun gia nhập SS là do bị cưỡng ép. Nhưng đồng thời, “rocket man” dường như hiếm khi nghĩ đến điều gì ngoài sự nghiệp hàng không vũ trụ của mình.

Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm tiêu cực hơn về von Braun. Một trong số đó đến từ Wayne Biddle, nhà báo đoạt giải Pulitzer. Biddle cho rằng von Braun là tội phạm chiến tranh và có liên quan trực tiếp đến dự án lao động nô lệ V-2. Ông cho rằng von Braun chỉ thoát khỏi công lý nhờ những nỗ lực của chính phủ Mỹ, và vì kiến thức của von Braun là cần thiết trong việc đánh bại Liên Xô.

Nhưng von Braun không phải là người Đức duy nhất thành công trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Đối mặt với sức mạnh ngày càng tăng của Liên Xô, chính phủ Hoa Kỳ đã tẩy trắng hình ảnh của von Braun và các nhà khoa học Đức khác để sử dụng kỹ năng của họ; công chúng Mỹ phần lớn cũng đã đồng tình với điều này. Chính những yếu tố trên cho phép von Braun trở thành một nhà lãnh đạo biểu tượng trong chương trình không gian Hoa Kỳ và được nhiều người ngưỡng mộ.

Việc nhiều người vẫn còn quan tâm đến di sản của Wernher von Braun hơn 50 năm sau khi tên lửa của ông đưa con người lên mặt trăng cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của ông đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ. Trong khi ông không thể phủ nhận là một thiên tài kỹ thuật, việc nhà khoa học từng phục vụ cho Đức Quốc Xã này được nhớ đến như một anh hùng Mỹ đã cho thấy kỹ năng tuyệt vời nhất của ông: khả năng bán hàng. Để tồn tại ở Đức Quốc Xã, ông đã bán cho Hitler giấc mơ chiến thắng với công nghệ và vũ khí vượt trội. Sau đó, ông bán cho Quân đội Hoa Kỳ tầm nhìn về khả năng thống trị vũ khí hạt nhân liên lục địa. Nhưng thương vụ lớn nhất của von Braun được thể hiện rõ ràng trong đoạn phim của Disney, qua đó, ông đã thành công bán giấc mơ chinh phục không gian và mặt trăng cho người Mỹ.