Mới đây, Việt Nam lại vinh dự đón nhận thêm một nhà sáng chế thiên tài 54 tuổi trở thành tỷ phú nhờ sáng chế dây chuyền sản xuất thực phẩm. Phải bỏ học từ khi lên lớp 5, ông Bùi Thanh Tú ra đời bon chen, tiếp thu kinh nghiệm từ xã hội và cuối cùng trở thành một nhà xay bột thuê. Nhận thức được sự bất cập và những khó khăn nảy sinh trong công việc, ông mong muốn có thể phát minh ra các công cụ để khiến công việc trở nên nhàn hạ hơn, giúp vợ con bớt cực khổ. Đó chính là lúc nhà sáng chế thiên tài 54 tuổi ra đời, người giành được hàng loạt giải thưởng, giấy khen, bằng khen danh giá, có các sáng chế được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Bài viết sau đây sẽ kể về hành trình sáng chế của ông Tú và các khó khăn ông gặp phải trên con đường hướng tới thành công.
Nhà sáng chế Bùi Thanh Tú
Ông Bùi Thanh Tú hiện 54 tuổi, quê ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh em. Là anh lớn nên ông đành gác lại việc học hành khi mới hết lớp 5 để buôn chải kiếm tiền cho gia đình. Sau khi cưới vợ, ông khởi nghiệp bằng nghề xay bột thuê rồi mở lò bún nhỏ ở xóm Hàng Gòn, xã Long Thuận. Cũng nhờ nghề làm bún đó đã khiến ông nảy sinh ra ý tưởng làm ra máy làm bún để vợ con đỡ nhọc nhằn.

Sau khi sáng chế máy làm bún đơn giản đầu tiên ra đời, năm 2009, vợ ông tiếp tục đưa ra thử thách – điều trở thành động lực tiếp tục sáng chế, tiếp tục phát minh của ông: “Ông phải làm cho tui cái máy sản xuất bánh hỏi, làm sao gạo đổ vào bánh chạy ra. Làm được vậy tui mới khen hay”. Cùng lúc nhận được yêu cầu của vợ, cơ duyên xảo hợp một chủ lò bún tận Long Xuyên, An Giang cũng nói với ông rằng doanh nghiệp của họ đang cần một sản phẩm tương tự.
Hành trình sáng chế bắt đầu
Nhận tiền cọc 100 triệu đồng khổng lồ trong tay từ chủ lò bún An Giang, lúc tiễn khách về ông Tú trải qua một đêm không ngủ được, tràn đầy lo âu thấp thỏm vì theo giao kèo ông phải giao máy trong ba tháng. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu bắt tay vào thiết kế cái máy ông đã gặp được vô vàn khó khăn. Máy làm ra vận hành không suôn sẻ, bánh hỏi chạy ra khoảng độ 10 phút thì động cơ liền tắt, khói bay nghi ngút.
Không nản lòng, những ngày sau đó ông gần như ăn ngủ cạnh cái máy và làm việc không ngơi nghỉ. Khi đuối sức, ông không trở về giường ngủ mà ngủ vạ vật tại chỗ, lúc tỉnh dậy lại lao vào làm tiếp. Tinh thần làm việc kiên cường không bỏ cuộc của ông cuối cùng đã đưa ra thành quả. Sau nhiều sai lầm, ông phát hiện ra vấn đề là do máy thiếu thiết bị giảm nhiệt và sau khi giải quyết vấn đề không lâu, dây chuyền sản xuất bánh hỏi cũng đã được hoàn thành để giao đúng hẹn.
Bắt đầu từ dòng máy làm bún, bánh hỏi rồi ông nhận luôn dây chuyền sản xuất sợi phở, hủ tiếu khô,… Được nhiều lò bún khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tìm tới đặt hàng, năm 2013 các dòng máy của ông xuất ngoại sang Mỹ. Tại Mỹ, ông mở được hai văn phòng đại diện đặt tên là Đồng Tháp và có công việc kinh doanh rất thuận lợi.

Ông Tú khoe về một hợp đồng của ông: “Vừa giao xong dây chuyền sản xuất bánh tráng ăn liền trị giá hơn 10 tỷ đồng. Dòng máy này mới làm lần đầu mà tôi dám nhận công suất lớn 300 kg mỗi giờ. Làm xong rồi mới thấy mình liều mạng.”
Tuy nhiên, khi công việc sáng chế diễn ra ổn thỏa thì một vấn đề khác lại ập tới ông Tú và gia đình của ông – vi phạm thương hiệu.
Hành trình bảo vệ thương hiệu của ông Tú
Khi công việc kinh doanh của ông diễn ra suôn sẻ thì đã có nhiều doanh nhân, thương gia thấy đỏ mắt vì thành công của ông. Họ ngày ngày lấy bún của lò ông bán và đánh tráo xuất xứ để bán ra ngoài. Theo lời ông Tú: “Họ nói lấy bún ở thành phố Châu Đốc để nâng giá bán.” Đứng trước nguy cơ bị ăn trộm công lao xương máu, ông Tú liền bàn với gia đình về việc xây dựng thương hiệu bún bài bản, lấy chất lượng để thuyết phục người tiêu dùng.
Nhận thấy các chợ truyền thống bán bún để trên xề, có người mua phải dùng tay bóc không hợp vệ sinh, ông Tú đã lập quyết định trở thành nhà tiên phong mở lò bún tươi đóng gói vào năm 2019. Mỗi gói bún của ông nặng khoảng 0,5-1kg, tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là trên mỗi gói bún của ông đều có thương hiệu và thời gian sử dụng rõ ràng.
Tự tin với chất lượng bún của mình làm ra, ông Tú bán đắt hơn thị trường 20%. Hiển nhiên, giá đắt như vậy cho một dòng sản phẩm thực phẩm thông thường như bún khiến nhiều người dân không quá ưa thích. Kết quả là sản lượng bún bán ra của ông giảm 50% doanh số.

Không nản lòng, ông vẫn kiên trì xây dựng, quảng bá thương hiệu bất chấp trở ngại ban đầu. Khoảng một năm sau đó, người tiêu dùng đã nhận ra được chất lượng sản phẩm của ông và thấy rằng chất lượng sản phẩm này đúng với giá tiền. Từ đó, công việc làm ăn của ông Tú trở nên suôn sẻ hơn nhiều.
Tại cơ sở kinh doanh của ông Tú luôn đông đúc công nhân làm việc. Một bên là 6 dây chuyền sản xuất bún, bánh phở, hủ tiếu tỏa khói nghi ngút. Gạo đổ vào một bên, đầu còn lại ra những sợi bún, bánh phở,… nóng hổi. Mỗi ngày cơ sở sản xuất gần 5 tấn bún, bánh phở cho khắp các chợ trong, ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Thành công vượt trội
Thấy ông ở tuổi ngũ tuần vẫn theo đuổi đam mê sáng chế, các con ông nhiệt liệt ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho ông. Tận dụng lợi thế máy móc sản xuất tại xưởng cơ khí, họ hỗ trợ ông tạo ra bún sấy dẻo có thể kéo dài thời gian sử dụng mà không cần các chất bảo quản. Sản phẩm này đạt chứng nhận 3 sao của tỉnh Đồng Tháp và đang được một đối tác ở TP HCM xuất sang Hàn Quốc mỗi tháng hơn 10 tấn.
Bắt đầu từ những hội chợ xúc tiến thương mại, bún tươi, bún sấy dẻo của ông đã xâm nhập vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại… và đạt được sự quảng bá rầm rộ. Chị Lê Thị Mỹ Ngọc (31 tuổi, con dâu) cho biết rằng chị mong muốn giữ nghề gia truyền của cha: “Hễ làm gì mà có thể nâng tầm giá trị sợi bún quê nhà là cha đều ủng hộ.”
Dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của ông Tú liên tiếp được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ngoài ra, ông Tú cũng nhận được hàng loạt giấy khen, bằng khen của địa phương, giải B hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh,…
Ông Phan Trọng Tường, Trưởng phòng Quản lý công nghệ – Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết rằng những dây chuyền sản xuất với máy móc, thiết bị đồng bộ do ông Bùi Thanh Tú sáng tạo góp phần hoàn chỉnh quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống, giải phóng sức lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rất thực tế và hiệu quả.
Ông Tường nhận xét: “Những sản phẩm sáng tạo của chú ấy không chỉ có giá trị ở phương diện kinh tế mà còn ở phương diện tạo cảm hứng, lan tỏa để khuyến khích, phát huy hoạt động sáng tạo trong cộng đồng thông qua việc hiện thực hóa ý tưởng hướng đến tiêu chuẩn và thương mại hoá các sản phẩm sáng tạo”